Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 chiều ngày 7/1, ông Phạm Lê Phú - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, năm 2021, EVNNPT đã quản lý, vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định với sản lượng điện truyền tải đạt 200,86 tỷ kWh, đạt 94,1% kế hoạch giao; Tổn thất điện năng năm 2021 thực hiện đạt 2,29%; Suất sự cố giảm 36,5% so với cùng kỳ; Công tác sửa chữa lớn thực hiện đạt 827,3 tỷ đồng/1.150 danh mục, đạt 95,5% kế hoạch vốn Tập đoàn giao và 98,5% danh mục theo kế hoạch; Công tác an toàn được đảm bảo, trong đó giảm được 99 vụ vi phạm HLAT, đạt chỉ tiêu giảm số vụ vi phạm EVN giao, không xảy ra tai nạn trong dân do hành lang.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của EVNNPT |
Trong lĩnh vực ĐTXD, mặc dù bị tác động lớn bởi nhiều đợt giãn cách xã hội kéo dài, công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng...nhưng toàn đoan vị đã giải ngân vốn 16.499 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch. Giải ngân khối lượng đầu tư thuần 11.328 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch. Phê duyệt 108 báo cáo nghiên cứu khả thi, tăng 27,1% so với năm 2020; phê duyệt 58 thiết kế kỹ thuật, tăng 65,7% so với năm 2020. Đã thực hiện lựa chọn nhà thầu cho 1.052 gói thầu các loại với tổng giá trị trúng thầu 9.001,7 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 7,45%. Tổ chức lựa chọn nhà thầu rộng rãi qua mạng cho 839 gói thầu, đạt tỷ lệ 98,13% về mặt số lượng gói thầu và chiểm tỷ lệ 72,73% về mặt giá trị trong tổng số gói thầu đấu thầu rộng rãi.
Trong năm 2021, EVNNPT đã khởi công 41 dự án; hoàn thành đóng điện 42 dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện cho đất nước.
Cùng với công tác vận hành, các dự án truyền tải đã góp phần đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt đối với nhiệm vụ đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, các nguồn điện NLTT cũng như để đảm bảo cung ứng điện cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của đất nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng khác.
Bên cạnh đó, EVNNPT hoàn thành tốt các chỉ tiêu theo kế hoạch được giao như tiết kiệm chi phí 10% so với định mức; nâng cao năng suất lao động; tăng hiệu qủa sử dụng vốn; nâng cao hiệu quả trong ĐTXD…
Đặc biệt, thực hiện năm chủ đề năm về Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, EVNNPT đã hoàn thành vượt kế hoạch với 112/106 nhiệm vụ, trong đó hoàn thành vượt trước tiến độ 7 nhiệm vụ thuộc kế hoạch chuyển đổi số thuộc giai đoạn 2022-2025; Hoàn thành các dự án và đề án: Trạm biến áp số; Giám sát nhiệt động đường dây, Mô hình thông tin công trình; Hệ thống an toàn, an ninh thông tin; Thiết bị bay không người lái và nghiên cứu ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh…
Ngoài công tác ĐTXD SXKD, EVNNPT đã tiếp tục chăm lo, đảm bảo việc làm cho người lao động; hỗ trợ cán bộ công nhân viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền hàng tỷ đồng.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN phát biểu |
Trên cơ sở những kết quả đạt được, nhận diện rõ nguyên nhân, năm 2022, EVNNPT sẽ tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Theo đó sẽ tập trung mọi nỗ lực đảm bảo quản lý vận hành lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; Đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án lưới điện truyền tải theo đúng tiến độ được duyệt; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; Đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn; Tiếp tục quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty.
Tặng cờ thi đua của Chính phủ cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia |
Năm 2022, EVNNPT sẽ phấn đấu đạt sản lượng điện truyền tải khoảng 205,4 tỷ kWh, tăng 2,25% so với thực hiện năm 2021; Giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải còn 2,3%; Không để xẩy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan, tất cả các chỉ tiêu suất sự cố thực hiện thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao; Thực hiện tốt các lĩnh vực của công tác an toàn, không xảy ra tai nạn lao động nặng và tai nạn chết người.
Phấn đấu khởi công 43 dự án (8 dự án 500kV, 34 dự án 220kV, 01 dự án 110kV); Hoàn thành và đưa vào vận hành 71 dự án (21 dự án 500kV, 48 dự án 220kV, 02 dự án 110kV); Bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh phấn đấu kinh doanh có lợi nhuận theo chỉ tiêu KH Tập đoàn giao. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả SXKD, tăng NSLĐ năm 2021 theo kế hoạch EVN giao.
Để đạt được mục tiêu đề ra, EVNNPT cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, EVN sớm tháo gỡ các khó khăn về thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện truyền tải, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách như: dự án ĐZ 500kV mạch 3, ĐZ 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, Sông Hậu - Đức Hòa, các dự án giải tỏa công suất các nguồn NLTT...
Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV EVNNPT tặng cờ Thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc năm 2021 |
Tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN - Dương Quang Thành chúc mừng và biểu dương những thành quả quan trọng mà Đảng bộ EVNNPT, tập thể lãnh đạo và toàn bộ CBCNV Tổng công ty đã đạt được trong năm 2021 khi đã đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần cùng Tập đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.
Bước sang năm 2022, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu EVNNPT yêu cầu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy hệ thống truyền tải điện, đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo; Hoàn thiện, đẩy mạnh việc áp dụng bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị theo tình trạng vận hành (CBM) cả về quy mô, chủng loại thiết bị nhằm ngăn ngừa sự cố và tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện.
Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ chủ đề năm 2022 của Tập đoàn“Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng; Từng bước số hóa toàn bộ công tác đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện dự án, nghiệm thu thử nghiệm đưa vào sử dụng đến quyết toán dự án hoàn thành. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động trong giai đoạn phát triển mới của hệ thống điện với năng lượng xanh, công nghệ số và lưới điện thông minh.