Quốc hội thông qua Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, trong 5 năm qua, việc thực hiện 16 CTMTQG đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do mục tiêu của các chương trình quá rộng, bố trí nguồn lực chưa bảo đảm, tổ chức thực hiện có những hạn chế dẫn đến hiệu quả thực hiện nhiều chương trình chưa cao. Do vậy, việc tổ chức lại và lựa chọn hai chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề có tầm quốc gia và cũng là những nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay. Việc lựa chọn này sẽ tập trung được nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức có hiệu quả các chương trình.
Theo Nghị quyết, CTMTQG xây dựng NTM có mục tiêu tổng quát là xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phù hợp, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Chương trình có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương: 63.155,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng.
Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững có mục tiêu tổng quát là: Thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo giai đoạn 2016- 2020. Mục tiêu cụ thể là góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%- 1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016- 2020.
Chương trình giảm nghèo bền vững được thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên tập trung các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo); các huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 135).
Chương trình có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 46.161 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương: 41.449 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 4.712 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho chương trình và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện.
Đối với các CTMTQG của giai đoạn trước thì không loại bỏ hoàn toàn mà đã rà soát, sắp xếp bố trí hợp lý ở 37 dự án thành phần vào 21 chương trình mục tiêu với quy mô hợp lý hơn nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, 37 dự án thành phần này sẽ tiếp tục được Quốc hội giao Chính phủ rà soát để loại bỏ các mục tiêu, nhiệm vụ trùng lặp với mục tiêu, nhiệm vụ của CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững, bảo đảm thực hiện chương trình hiệu quả.