Đại biểu Danh Út: Nếu có xóa nợ thuế thì bổ sung vào Nghị quyết về dự toán ngân sách hàng năm chứ không nên đưa vào luật.
Chưa thực sự cần sửa luật về thuế
Thảo luận về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, gồm Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong khi các quy định mới về Luật thuế giá trị gia tăng, Luật quản lý thuế vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2015. Còn Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đến 01/01/2016 mới có hiệu lực thi hành thì việc sửa đổi là chưa phù hợp và ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng pháp luật của Quốc hội và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) nêu câu hỏi, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này có thực sự là phương án cuối cùng? Cơ quan soạn thảo đã dự trù được hết những tình huống phát sinh trên thực tế hay không hay vẫn còn những chỗ bất cập cần tiếp tục sửa đổi trong thời gian tới?
Đại biểu Thắng đề nghị, cần đánh giá thận trọng hơn nữa những tác động có thể xảy ra khi sửa đổi Luật về thuế và phải căn cứ vào tình hình thực tế để có các giải pháp thận trọng, hài hòa giữa việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và tăng cường công tác quản lý.
Cho ý kiến vào dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu băn khoăn về quy định giảm thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô. Đại biểu Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) cho rằng, cần cân nhắc thêm tác động của quyết định này đến cân đối ngân sách cũng như những tác động đến hạ tầng giao thông khi giảm thuế cho dòng xe phổ thông.
Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc ) nói, ô tô sản xuất ô tô trong nước có chi phí sản xuất cao hơn đến 20% so với xe nhập khẩu sản xuất ở các nước trong khu vực. Do đó, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước sẽ không giúp thu hẹp được khoảng cách về chi phí này.
“Nếu không cẩn thận, xe nhập khẩu sẽ được hưởng lợi kép từ việc vừa được giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt sẽ ngay lập tức ồ ạt nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, các nhà sản xuất xe ô tô trong nước cần nhiều thời gian chuẩn bị cho những thay đổi lớn về chính sách như vậy, chắc chắn, sẽ mất thị trường” – đại biểu Thủy lưu ý.
Có nên xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp?
Cho ý kiến về quy định xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm không tán thành. Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng, quy định này tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
“Nếu làm ăn thua lỗ, thậm chí có tiêu cực, sau đó được xóa tiền nợ thuế là khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí kinh doanh phi pháp dẫn đến mất khả năng sản xuất kinh doanh” – đại biểu Danh Út phân tích và đề nghị, nếu có xóa nợ thuế thì bổ sung vào nghị quyết về dự toán ngân sách hàng năm chứ không nên đưa vào luật.
Còn đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng, quy định xóa tiền nợ thuế đối với trường hợp doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, đây là những trường hợp cá biệt và cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể chứ không nên quy định trong luật hay nghị quyết thành một chính sách thường xuyên, phổ biến.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, vẫn có những đại biểu tán thành với quy định xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) phân tích, khi xác định giá trị doanh nghiệp thì phần lỗ sẽ loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa. Nếu xóa nợ phần thuế thì doanh nghiệp sẽ giảm lỗ, khi đó giá trị doanh nghiệp sẽ được tăng lên, tài chính sẽ lành mạnh hơn. Đồng thời, qua việc cổ phần hóa, Nhà nước sẽ gián tiếp thu lại phần thuế đã xóa.