Đại biểu Quốc hội thảo luận một số ý kiến khác nhau về Bộ luật Hàng hải |
Báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, cho biết: Đa số ý kiến các đại biểu đều nhất trí với các quy định trong Bộ luật dự thảo. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau cần được thống nhất.
Theo đó, đối với các đối tượng điều chỉnh, UBTVQH cho rằng, Bộ Luật Hàng hải chủ yếu điều chỉnh các đối tượng hoạt động hàng hải thương mại. Vì vậy, đối với tàu cá, giàn di động, ụ nổi, phương tiện thủy nội địa, tàu quân sự, cảng quân sự, cảng cá, cảng thủy nội địa ... hiện nay đã được điều chỉnh trong các văn bản luật khác như: Luật Thủy sản, Luật Giao thông đường thủy nội địa... Do đó, không đưa tất cả các đối tượng này vào điều chỉnh trong Luật.
Nhiều ý kiến lại cho rằng, Bộ luật Hàng hải cần điều chỉnh tất cả các loại tàu, thuyền hoạt động trên biển và tất cả các loại cảng biển, cảng thủy nội địa mà không nên quy định loại trừ. Mặc dù dự thảo Bộ luật chủ yếu điều chỉnh các đối tượng hoạt động hàng hải thương mại, song trong một số trường hợp, hoạt động của các loại phương tiện, cảng này có liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng hải nhưng lại chưa được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật nên cần có sự điều chỉnh trong Bộ luật Hàng hải.
Đối với vấn đề độc quyền vận tải hàng hải nội địa, nhiều ý kiến lo ngại việc giao cho các DN trong nước độc quyền vận tải nội địa sẽ tăng giá dịch vụ vận chuyển nội địa, ảnh hưởng tới quyền lợi của người sử dụng dịch vụ. Phân tích vấn đề này, UBTVQH cho biết: Các tàu biển của các DN khác nhau sẽ phải cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người sử dụng dịch vụ có quyền sử dụng các dịch vụ của DN vận tải khác nhau. Hơn nữa nhà nước còn thực hiện công tác quản lý thông qua việc quy định các dịch vụ phí, lệ phí công khai giá dịch vụ vận chuyển và công tác kiểm tra, thanh tra giá dịch vụ vận chuyển đối với các DN áp giá cao đối với khách hàng. Vì vậy, không có chuyện độc quyền dẫn đến tăng giá cước vận tải.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, quy định cảng biển cần cân nhắc và có tư duy mới, tạo đột phá trong đầu tư, khai thác cảng biển, phát huy lợi thế là quốc gia biển. Việc quy hoạch xây dựng cảng biển phải mang tính khoa học và đồng bộ. Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề nghị cần làm rõ và hướng dẫn cụ thể quy định tiêu chí cảng biển, vùng nước nối thông với biển, đồng thời phân định rạch ròi đâu là cảng biển, đâu là thủy nội địa và cảng cá. Khi phát triển cảng biển tận dụng tối đa ưu thế đường bờ, vùng nước sâu ven biển, cảng biển không quá sâu trong nội địa gây tốn kém đầu tư và khai thác không hiệu quả. Một số cảng biển không có tàu biển ra vào mà chỉ yếu phục vụ phương tiện thủy nội địa gây lãng phí cho nhà nước.
Về bắt giữ tàu biển, nhiều ý kiến nhất trí việc luật hóa các quy định của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển. Đồng thời, đề nghị cân nhắc không nên quy định những vấn đề về trình tự, thủ tục tố tụng trong bắt giữ tàu biển vào Bộ Luật.
Tuy nhiên, theo UBTVQH việc bắt giữ tàu biển bao gồm các quy định về thẩm quyền bắt giữ tàu biển và trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển theo tố tụng tư pháp. Bộ luật Hàng hải chỉ nên có một số quy định mang tính nguyên tắc để điều chỉnh việc bắt giữ tàu biển; còn đối với các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng thì cần đưa vào trong Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc ban hành luật riêng để quy định.