Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo làm rõ vụ 359 ha rừng cao su “vô chủ” Nhà máy nước trăm tỷ ở Gia Lai bị cưỡng chế, kê biên Công ty Điện Gia Lai huy động 100 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ |
Ngày 3/7, theo nguồn tin của phóng viên Vuasanca có được, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định thanh tra về việc chấp hành pháp luật về đầu tư công và đấu thầu giai đoạn 2022 -2023 tại UBND huyện Chư Sê. Đây cũng là huyện nợ nhiều nhà thầu hàng tỷ đồng về xây dựng cơ bản.
Thời hạn thanh tra là 30 ngày, kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra (ngày 1/7). Theo hồ sơ tài liệu, kế hoạch đầu tư công năm 2022 ở huyện Chư Sê là hơn 80 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh phân cấp là hơn 30 tỷ đồng và tiền sử dụng đất huyện đầu tư là 50 tỷ đồng.
Kế hoạch đầu tư công năm 2023 ở huyện Chư Sê là hơn 73 tỷ đồng (trong đó thu hồi vốn ứng trước là hơn 4 tỷ đồng; trả nợ đọng xây dựng cơ bản là hơn 37 tỷ đồng). Trong 73 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023, ngân sách tỉnh phân cấp là hơn 28 tỷ đồng, còn lại là hơn 45 tỷ đồng tiền sử dụng đất phân cấp của huyện, xã.
Một dự án ở huyện Chư Sê đã bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng một số nhà thầu vẫn chưa được trả nợ. (Ảnh: Hồng Phong) |
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên Vuasanca , huyện Chư Sê là địa phương hiện đang nợ các nhà thầu thi công các công trình xây dựng cơ bản hàng tỷ đồng.
Cụ thể, huyện này nợ Công ty TNHH MTV Phúc Hưng hơn 722 triệu đồng chưa trả. Ông Thái Văn Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phúc Hưng cho biết, theo Luật Đầu tư công, khi có đủ vốn mới phê duyệt dự án công trình, nhưng hiện tại không biết lý do gì mà chủ đầu tư chưa thanh toán tiền cho nhà thầu.
Bên cạnh đó, UBND huyện Chư Sê nợ Công ty Trường Phát Lợi hơn 4,7 tỷ đồng không trả. Huyện này cũng nợ Công ty TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai (địa chỉ: Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) 2,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nhiều, Giám đốc TNHH MTV Thuận Nghĩa Gia Lai cho biết “Huyện Chư Sê còn nợ công ty chúng tôi 2,6 tỷ đồng, trong đó 2,3 tỷ đồng bị nợ hơn 8 năm; còn 300 triệu đồng là nợ trong năm 2023. Chúng tôi làm đơn đòi nợ, huyện nhiều lần hứa hẹn, nhưng vẫn không chịu trả”, ông Nhiều cho hay.
Ông Nhiều viện dẫn Luật Đầu tư công, khi dự án được phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật thẩm định thì công trình đủ vốn mới cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Trường hợp chưa đủ vốn thì chưa phê duyệt đấu thầu, còn khi đấu trúng thầu, thi công xong và bàn giao đưa vào sử dụng thì phải giải ngân hết. Đến giờ, ông không hiểu vì sao huyện Chư Sê vẫn không chịu trả nợ cho nhà thầu !?.
Trước đó, Hội đồng nhân dân huyện Chư Sê ban hành Nghị quyết 117 về việc “Phê duyệt kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2021 huyện đầu tư (đợt 3)”, theo đó phê duyệt kế hoạch đầu tư công với số tiền 121 tỷ đồng để chi trả giải phóng mặt bằng; chi trả cho các dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước tháng 12/2021 là hơn 25 tỷ đồng; chi trả cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành giai đoạn 2021-2025 là hơn 20 tỷ đồng. Nghị quyết đã bố trí vốn đầy đủ, tuy nhiên do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê làm không hoàn thành và chưa quyết toán nên nợ các nhà thầu.
Được biết, các hợp đồng thi công các công trình được thực hiện dưới thời ông Trần Minh Triều, làm Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê.