Điện hạt nhân sẽ giúp giảm bớt gánh nặng nhu cầu điện gia tăng |
Nhu cầu điện tăng cao
Ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA)- cho biết, theo Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg, nhu cầu điện của Việt Nam năm 2020 là 330 tỷ kWh gấp hơn 3 lần và năm 2030 là 695 tỷ kWh, gấp gần 7 lần năm 2010.
Để đáp ứng nhu cầu điện này, số lượng các nhà máy nhiệt điện than phải xây dựng trong 20 năm (2011-2030) là 61 nhà máy, với tổng công suất đạt 71.710 MW. Từ đó, tính ra nhu cầu than của ngành điện năm 2020 là 67,3 triệu tấn và năm 2030 là 171 triệu tấn. Trong khi đó, theo Quy hoạch Phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012, sản lượng than thương phẩm ngành than sản xuất được vào năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn và năm 2030 là trên 75 triệu tấn. “Tuy nhiên, than trong nước sản xuất ra không chỉ cung cấp cho ngành điện mà còn cho các ngành kinh tế quốc dân khác và xuất khẩu”- ông Ngãi nhấn mạnh.
Cũng theo ông Ngãi, đến thời điểm hiện tại, các dự án thủy điện lớn hầu như đã được khai thác hết. Trong danh mục quy hoạch nguồn điện của Quy hoạch điện VII, từ năm 2018 trở đi sẽ không còn nhà máy thủy điện nào đưa vào vận hành, ngoài các thủy điện tích năng và các nhà máy thủy điện xây dựng tại Lào và Campuchia. Còn các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện đáp ứng không đáng kể, chỉ chiếm tỷ lệ 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030 trong hệ thống điện quốc gia.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trước nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ hàng năm của nền kinh tế lên tới 10-12%, áp lực đặt lên các quy hoạch điện là vô cùng lớn. Ngoài vấn đề về vốn thì việc tìm kiếm, phát triển các nguồn điện đang trở thành bài toán đầy nan giải đối với ngành điện.
Điện hạt nhân là sự lựa chọn thích hợp
Ông Ngãi cho rằng, ĐHN là sự hội tụ những ưu điểm nổi bật về mặt công nghệ và kinh tế. Đặc biệt, trong xu thế của thế giới đối phó với hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, ĐHN là sự lựa chọn thích hợp, góp phần tích cực thay thế các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhằm hạn chế phát thải khí ô nhiễm môi trường gây hiệu ứng nhà kính. Dù vẫn còn những lo lắng về tính an toàn lò phản ứng hạt nhân sau sự cố Fukushima, nhưng sự vận hành an toàn của hàng trăm lò phản ứng rải rác trên thế giới cũng như sự xuất hiện nhiều biện pháp an toàn khác nhau đã đem lại niềm tin mới cho dân chúng đối với công nghệ ĐHN.
Ông Phan Minh Tuấn- Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án ĐHN Ninh Thuận- đồng tình, trong chính sách phát triển năng lượng của mỗi quốc gia, bên cạnh ĐHN luôn có các nguồn năng lượng khác như năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh học… Tuy nhiên, những nguồn năng lượng này rất hạn chế và không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự báo, những nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí, than đá… sẽ dần cạn kiệt. Vì vậy, ĐHN sẽ là nguồn năng lượng chủ yếu.
Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ĐHN không chỉ giải quyết nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia ổn định, lâu dài, mà còn đáp ứng được các mục tiêu về môi trường, giải quyết bài toán giá thành, thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan. Vì vậy, ĐHN được quan tâm phát triển và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp điện lực ở nhiều quốc gia.
Dự kiến, đến năm 2030, sản lượng ĐHN sẽ chiếm khoảng 7% tổng công suất điện quốc gia và đến năm 2050, ĐHN sẽ chiếm khoảng 15 - 20% tổng công suất điện. |