Tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam khá cao (Ảnh minh họa) |
Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá, cũng như sự hỗ trợ của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá đã giảm đáng kể. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% năm 2010 xuống còn 18,2% năm 2015; tỷ lệ hút thuốc ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% xuống 22,5%; tỷ lệ nam giới ở thành thị hút thuốc lá điếu đã giảm đáng kể từ 45,2% (năm 2010) xuống còn 38,7% (2015). Điều tra năm 2015 cũng cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở tất cả địa điểm. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá cũng tăng lên đáng kể.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại nhiều khu vực, địa phương trên cả nước cho thấy, tình trạng mời thuốc ở các cơ quan công sở đã không còn diễn ra phổ biến như trước, tỷ lệ người từ chối cũng tăng cao. Tại khu vực nông thôn, nếu như trước đây ở bất kỳ sự kiện nào dù vui hay buồn (hiếu, hỷ, tân gia, mừng thọ...) chủ nhà thường mua rất nhiều thuốc lá để mời và khi mời ai cũng lấy dù không hút để tỏ sự trân trọng nhưng hiện tại chỉ có ai nghiện thuốc lá mới cầm để hút.
Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam vẫn còn khá cao vì nhiều nguyên nhân. Về chủ quan, cha mẹ thường cấm con em mình hút thuốc, tuy nhiên động thái này đã khiến trẻ em tò mò và tìm kiếm cơ hội để thử, bắt chước. Bên cạnh đó, chúng thường bị rủ rê, lôi kéo, hoặc chỉ để chứng minh cái tôi cá nhân nên lúc đầu hút thử, dần dần dẫn đến nghiện. Một lý do khác khiến nhiều người trưởng thành nghiện thuốc là yếu tố tâm lý hoặc áp lực công việc (nhất là đối với những người hay phải suy nghĩ, thức đêm...).
Về mặt khách quan, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì thuốc lá ở Việt Nam được bày bán tràn lan, giá rẻ và ai cũng có thể mua. Bên cạnh đó, trên thị trường những năm gần đây xuất hiện một số sản phẩm mới như shisha, Vape, thuốc lá điện tử và được quảng bá mạnh mẽ trên nhiều trang mạng internet về sự hấp dẫn và sành điệu khi sử dụng. Một nguyên nhân khác là việc vi phạm quy định cấm quảng cáo thuốc lá tại các điểm bán cũng đang gây những khó khăn cho công tác PCTH thuốc lá. Theo Điều tra năm 2015 của Trường Đại học Y tế công cộng, hơn 90% các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày thuốc lá, thể hiện ở việc trưng bày rất nhiều bao, tút hộp của các nhãn hiệu thuốc lá tạo thành các điểm quảng cáo cho các sản phẩm thuốc lá, thu hút người sử dụng.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phố, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá cũng chưa được triển khai đồng bộ và thường xuyên. Rồi công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá lậu còn nhiều hạn chế khiến việc kéo giảm tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam còn nhiều khó khăn.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh vệc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng chú trọng tới các khu vực trong nhà của khách sạn, nhà hàng, các nơi làm việc, nơi công cộng trong nhà;tăng cường phối hợp liên ngành để đảm bảo hoạt động PCTH thuốc lá được triển khai toàn diện tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính và giám sát tình hình thực thi Luật PCTH thuốc lá tại các tỉnh, thành phố. Đồng thời tiếp tục truyền thông nhằm nâng cao và duy trì nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTH của thuốc lá; Tiếp tục nhân rộng các mô hình không khói thuốc
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá để cung cấp bằng chứng phục vụ công tác PCTH thuốc lá; Tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác thanh kiểm tra, năng lực cho cán bộ làm công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá... nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam.