Ảnh minh họa: Internet
CôngThương - Để giữ vững thương hiệu giấy Tân Mai - thương hiệu mạnh, hàng Việt Nam chất lượng cao- đồng thời khẳng định vị thế của mình trên thị trường nội địa và khu vực, Giấy Tân Mai đã và đang tập trung mọi nguồn lực cho quá trình hiện đại hoá công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vượt qua thử thách
Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai chuyên sản xuất các loại giấy bao gồm các sản phẩm giấy in báo; giấy in, giấy viết, giấy photocopy; giấy couché… phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Sản phẩm giấy Tân Mai đã có mặt trên thị trường toàn quốc và trở thành mặt hàng thân thuộc đối với khách hàng trên mọi miền đất nước, sẵn sàng đáp ứng và làm thỏa mãn yêu cầu của khách hàng với phương châm “Cung cấp cho khách hàng sản phẩm tốt nhất với giá cạnh tranh” đang là mục tiêu phát triển của giấy Tân Mai.
Năm 2009, Giấy Tân Mai cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong cả nước tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm cùng với giá nguyên vật liệu biến động càng làm cho áp lực cạnh tranh gia tăng, đặc biệt là giấy in báo sản xuất trong nước. Mặc dù đã phải điều chỉnh giá giảm giá bán 5 lần nhưng tiêu thụ giấy các loại của công ty vẫn bị giảm so với cùng kỳ, trong đó giấy in báo IB58 là mặt hàng giảm mạnh nhất... Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Hội đồng quản trị, giấy Tân Mai đã vững vàng vượt qua thử thách. Hàng loạt các biện pháp được thực hiện như: hoàn thiện dây chuyền sản xuất; cải tiến kỹ thuật; giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, lao động; tăng cường biện pháp kỹ thuật trong xử lý chất thải; đẩy mạnh tiêu thụ; đánh giá lại các dự án đầu tư để tạm ngừng hay đẩy nhanh tiến độ; tính lại phương án kinh doanh chấp nhận giảm lãi; áp dụng chính sách tiêu thụ linh hoạt qua chiết khấu... kết quả doanh thu đạt 1.402 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 53, 67 tỷ đồng; thu nhập bình quân dạt 4 triệu đồng người /tháng.
Những dự án chiến lược
Năm 2010, ngành giấy tiếp tục đương dầu với nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới và khu vực. Tuy những tháng đầu năm ngành giấy đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, nhưng giá cả xuất nhập khẩu sản phẩm giấy và nguyên liệu đầu vào không ổn định nên vẫn là mối lo ngại nhất của các doanh nghiệp trong ngành giấy. Trước những khó khăn chung như vậy, giấy Tân Mai đã đưa ra một số giải pháp cấp bách, trong đó huy động toàn bộ các nguồn lực và phát huy các lợi thế để tập trung cho chiến lược dài hơi của mình. Đầu tư có chọn lọc, lựa chọn những bước đi thích hợp và khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế, nguồn lực nhằm đảm bảo tất cả những sản phẩm mang thương hiệu “Giấy Tân Mai- thương hiệu mạnh” đều đảm bảo chất lượng “ngoại” đủ sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Giấy Tân Mai đã không ngừng đầu tư, nâng cấp dây chuyền công nghệ, mở rộng thị phần trong nước.
Nằm trong chiến lược phát triển của mình, 3 trong 4 dự án lớn phục vụ cho sản xuất giấy của giấy Tân Mai đã được khởi công, tổng mức đầu tư lên tới trên 3 nghìn tỷ đồng, dự kiến khi hoàn thành sẽ nâng công suất lên tới 600 nghìn tấn giấy/năm và 550 nghìn tấn bột, giấy Tân Mai sẽ trở thành đơn vị có công nghệ hiện đại, công suất lớn nhất ngành Giấy Việt Nam.
Dự án Nhà máy giấy Tân Mai- Kon Tum đã khởi công từ đầu tháng 3/2010, công suất 200.000 tấn/năm, 130 tấn bột/năm. Tiếp đến, tháng 6/2010, khởi công xây dựng Nhà máy giấy Tân Mai- Miền Đông, công suất 150.000 tấn giấy/năm. Trong tháng 7 vừa qua, giấy Tân Mai tổ chức khởi công Nhà máy giấy Tân Mai- Quảng Ngãi, công suất 130 tấn bột/năm; 200.000 tấn giấy/năm. Không dừng lại ở đầu tư cho các dự án sản xuất giấy mà còn vươn sang lĩnh vực bất động sản, các dự án lớn của giấy Tân Mai như: dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Mai- Biên Hòa, quy mô 20,5ha; dự án tòa nhà văn phòng cho thuê tại Mỹ Đình- Hà Nội...
Trong khó khăn biết tìm cho mình một hướng đi riêng, khó khăn không có nghĩa là chùn bước là không đầu tư để tái sản xuất mà quan trọng là lựa chọn bước đi thích hợp, giấy Tân Mai đã làm được điều này. Hiện giấy Tân Mai đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để sớm đưa 4 dự án lớn đi vào hoạt động đúng tiến độ.
Ông Trần Đức Thịnh- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc- cho biết, phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là chìa khóa đi đến thành công của của Công ty CP tập đoàn giấy Tân Mai.
Lê Hằng