Bắc Kạn: Khuyến khích chuyển đổi mô hình quản lý chợ Hà Nội: Còn nhiều 'nút thắt' trong thu hút đầu tư, quản lý chợ Phát triển hạ tầng thương mại: Khơi thông nguồn lực |
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang có 173 chợ/tổng số 193 xã, phường, thị trấn (tăng 02 chợ so với năm 2021). Trong đó chợ kiên cố 35 chợ, chiếm 20,23%; chợ bán kiên cố 106 chợ, chiếm 61,27%; 32 chợ tạm, chiếm 18,5%). Cùng với chợ nông thôn, mạng lưới chợ khu vực biên giới cũng phát triển mạnh và đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi nông sản hàng hoá, giao lưu văn hoá của người dân.
Người dân ở chợ dân sinh xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang (ảnh Thanh Nhật – Vietnamnet) |
Ở nhiều vùng nông thôn đã hình thành lên những chợ phiên hoạt động khá hiệu quả. Đây là yếu tố thuận lợi để mở rộng giao thương, trao đổi hàng hoá nông sản của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa đã đến được với người dân khắp các vùng, miền trong tỉnh.
Thông qua chợ, người dân được tiếp xúc với các sản phẩm chất lượng, ngoài ra còn làm quen với nền kinh tế thị trường. Với đặc thù của tỉnh miền núi, chợ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn phản ánh nét văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc của cư dân bản địa. Các chợ được xây dựng mới, nâng cấp đã đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi hàng hoá, góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội của địa phương.
Hệ thống chợ được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng nhất trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là khu vực nông thôn. Do đó, việc xây dựng chợ truyền thống hiện đại, văn minh; tổ chức, quản lý chuyên nghiệp, bảo đảm chất lượng hàng hóa; giữ nét truyền thống hài hòa với hiện đại nhằm phát triển kinh tế, du lịch đang là vấn đề mà các cơ quan chức năng cũng như địa phương quan tâm thực hiện.
Xuất phát từ sự cần thiết đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 11/8/2021 về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Năm 2022, UBND tỉnh Hà Giang đã phân bổ nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên 26,9 tỷ đồng để xây mới, cải tạo 22 công trình chợ; UBND các huyện, thành phố đã huy động xã hội hoá đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ trên 11 tỷ đồng; thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý 19 chợ, nâng tổng số chợ chuyển đổi thành công lên 37/173 chợ; kinh phí thu nộp ngân sách nhà nước từ chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ chuyển đổi thành công năm 2022 là trên 3,4 tỷ đồng; 79 chợ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tăng 5 chợ so với năm 2021); phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viettel chi nhánh Hà Giang và Tập đoàn FPT triển khai thành công mô hình chợ 4.0 đối với các dịch vụ thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt tại chợ trung tâm huyện Mèo Vạc, Cốc Pài huyện Xín Mần.
Thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý, hiện có 12 chợ đã thực hiện xã hội hoá do các doanh nghiệp kinh doanh và quản lý. Việc đầu tư xây dựng các chợ bằng hình thức xã hội hoá góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách địa phương trong việc đầu tư kinh phí xây dựng và cải tạo, nâng cấp chợ. Do vậy, chợ xã hội hoá đang có chiều hướng phát triển tích cực, thu hút hộ tiểu thương kinh doanh nhiều mặt hàng.
Tuy nhiên, thực tế việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ còn chậm. Số lượng chợ do Ban quản lý, Tổ quản lý hoạt động kiêm nhiệm cao dẫn đến việc tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kém hiệu quả; một số chợ khu vực nông thôn nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bày bán tại chợ thiếu được kiểm định chất lượng, nhất là các mặt hàng kinh doanh có điều kiện; tại khu vực đô thị, một số chợ không thu hút được tiểu thương vào kinh doanh là do tình trạng chợ tạm, chợ cóc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa hạn chế.
Trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng chợ được đầu tư khang trang, hiện đại nhưng hiệu quả sử dụng thấp (chợ trung tâm thị trấn Vị Xuyên; chợ xã Việt Vinh...), thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí đất đai và ngân sách (chợ đầu mối thị trấn Vĩnh Tuy).
Trước thực trạng như trên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản lý chợ theo hình thức xã hội hoá đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới các cấp, ngành cần quan tâm ban hành kế hoạch, lộ trình sắp xếp chợ tự phát; rà soát quy định phí, lệ phí và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xã hội hoá chợ; có phương án di dời các hộ tiểu thương của các chợ tự phát vào chợ được đầu tư xây dựng theo quy hoạch; nghiên cứu nâng thời gian trúng thầu quản lý chợ dài hơn (trên 10 năm đối với chợ xã và trên 20 năm đối với chợ thị trấn) để việc đầu tư được bài bản và có cơ sở để thu hồi vốn.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường trong kinh doanh, khai thác và quản lý chợ theo quy định, đặc biệt là quản lý về diện tích và việc sử dụng đất chợ trên địa bàn các huyện, thành phố; thống kê, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các chợ trong quy hoạch chưa được cấp…