Nhiều sản phẩm OCOP chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường Hà Nội: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng |
Theo đó, TP. Hà Nội công bố quyết định công nhận 275 sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2019. Trước đó, cuối năm 2019, TP. Hà Nội đã trao quyết định công nhận 26 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận lên 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao; đạt 100,3% kế hoạch năm.
Sự kiện nhằm tôn vinh các chủ thể, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, cửa hàng để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu dùng sản phẩm….
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội - đánh giá, chương trình OCOP đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, phát huy những giá trị tiềm năng các làng nghề, các đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các chủ thể OCOP có cơ hội tìm hiểu, củng cố, nâng cao kiến thức hiểu biết về pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cởi mở trao đổi với đối tác và cơ quan quản lý.
Trong khuôn khổ của chương trình, sự kiện “Trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 26 - 28/6 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện thu hút hơn 100 chủ thể tham gia với 5 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí. Đây là các sản phẩm OCOP đã được TP. Hà Nội công nhận đạt 3 sao trở lên; các sản phẩm đăng ký dự thi Chương trình OCOP năm 2020; các sản phẩm làng nghề của thành phố.
Cũng trong chuỗi sự kiện này, TP. Hà Nội tổ chức hội thảo kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên toàn thành phố để đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm...
Việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy sáng tạo cho các hợp tác xã và người dân, đồng thời tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển; là cơ hội tốt đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến, phát triển thị trường đến tiêu thụ sản phẩm, với những hàng hóa chất lượng.
Hà Nội tiếp tục phấn đấu đến hết năm 2020, đánh giá, xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm OCOP. Ông Chu Phú Mỹ cho hay, thành phố sẽ nâng cấp phần mềm hệ thống truy suất nguồn gốc thực phẩm nông sản, trang điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn. Xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã. Đồng thời, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm OCOP, tiếp tục triển khai thêm các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP.