Ông Nguyễn Đức Quang- Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Hà Nội: Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Hà Nội đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính |
Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (BQL) tổ chức, nhằm giúp các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của nhà nước trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại các khu công nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hà Nội.
Thực tế đến nay, Hà Nội đã và đang phát triển 17 KCN- KCNC với tổng diện tích gần 3.500 ha. Trong đó, 9 KCN với tổng diện tích 1,264 ha, đang hoạt động ổn định. Tỷ lệ lấp đầy trên 95% đất công nghiệp gồm: Thăng Long; Nội Bài; Thạch Thất-Quốc Oai; Nam Thăng Long; Sài Đồng B; KCN Hà Nội – Đài Tư; Quang Minh I; Phú Nghĩa; Khu công viên công nghệ thông tin. Một số KCN vẫn còn đất để thu hút đầu tư như: KCN Phú Nghĩa: 20 ha; KCN Quang Minh I: 2 ha. Các KCN khác đang chuẩn bị đầu tư hạ tầng. Riêng KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội, diện tích 77 ha đang tiếp tục hoàn thiện xây dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư thứ phát.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, các KCN đã thu hút đầu tư được 277,7 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2017. Đến nay các KCN thu hút 649 dự án, trong đó có 335 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký 5,6 tỷ USD; 314 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 14.800 tỷ đồng.
Tổng doanh thu của các KCN- KCNC đạt 5,470 tỷ USD, tăng 6,6%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,180 tỷ USD tăng 9,1% .
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Quang- Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Hà Nội cho biết, công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian qua đã góp phần thúc đấy các khu công nghiệp phát triển, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến đầu tư trong khu công nghiệp vẫn có những hạn chế về công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chính sách ưu đãi đầu tư, giá thuê đất, thuê hạ tầng, thủ tục hành chính,… Những hạn chế này đã làm giảm cơ hội thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Hà Nội.
Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong các KCN- KCNC, Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Hà Nội đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính: cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O theo mức độ 3 trong thời gian 2h; giảm 25% thời gian, chi phí thực hiện đối với 18 thủ tục hành chính; rút gọn bộ TTHC còn 77 TTHC, triển khai giải quyết 12 TTHC cấp độ 3 cho các doanh nghiệp KCN, đang triển khai hoàn thiện 11 TTHC cấp độ 3.
Trong năm 2018, Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Hà Nội đã tổ chức 08 hội nghị tập huấn thực hiện các quy định của pháp luật giải quyết khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp. Số lượng người đại diện cho các doanh nghiệp KCN tham dự gần 1.600 lượt người.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên từ Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Thuế và BQL sẽ trình bày hướng dẫn, phổ biến các quy định về ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế, ưu đãi về xuất nhập khẩu kèm theo việc trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về thủ tục các quy định về ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế, ưu đãi về xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đức Quang- Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất Hà Nội: Dự kiến, 3 tháng cuối năm 2018, Hà Nội sẽ thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp đạt 230 triệu USD, doanh thu đạt 1,77 tỷ USD tăng khoảng 6,5%, nộp ngân sách nhà nước đạt 50 triệu USD tăng khoảng 16%, xuất khẩu đạt 1,13 tỷ USD tăng khoảng 9%, nhập khẩu đạt 900 triệu USD tăng khoảng 3,6%. |