Xóa những "khoảng trống" về chính sách
Chia sẻ tại "Hội nghị triển khai các điểm mới theo Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2017/NQ-CP, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và Thông tư số 23/2018/TT- BNNPTNT" diễn ra chiều 11/4, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, ngày 4/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Hoàn thiện các mảnh ghép, quyết gỡ ‘thẻ vàng’ IUU |
So với Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật đó là bổ sung quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá; thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.
Nghị định sửa đổi cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu cá; quy định rõ yêu cầu và quản lý việc lắp đặt đối với thiết bị giám sát tàu cá và quy định yêu cầu đối với việc lắp thiết bị chống va, đâm khi hoạt động trên biển để tránh tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định giám sát viên trên tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam nhằm tạo khung pháp lý để duy trì và thúc đẩy việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Đồng thời, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam và kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam nhằm thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thac IUU), gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC)
Nghị định 37 cũng quy định việc kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam; kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu container nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, trước 48 giờ khi lô hàng được vận chuyển cập cảng, tổ chức, cá nhân khai báo và gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không vi phạm IUU.
Cũng theo ông Trần Đình Luân, ngày 5/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản. So với Nghị định 42, Nghị định 38 đã quy định tăng thời gian xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản từ 1 năm lên 2 năm.
Ông Trần Đình Luân cho hay, tắt thiết bị giám sát hành trình rất nhiều lần, đây chính là tình tiết tăng nặng. Cụ thể, tàu cá không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hoá thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài 24m trở lên sẽ bị xử phạt từ 300 triệu đến 500 triệu đồng, nếu tái phạm có thể bị phạt đến 700 triệu đồng.
Nghị định 38 cũng đưa chủ tàu vào đối tượng chịu chế tài, quy định rõ ranh giới vùng biển được phép khai thác thuỷ sản. “Trước đây khi chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện vi phạm, phạt chủ tàu thì chủ tàu bảo thuyền trưởng lái đi đâu không biết. Do vậy, Nghị định 38 cũng quy định bổ sung xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng và chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng để quản lý chặt chẽ hơn” - ông Trần Đình Luân cho biết.
Việc ghi nhật ký khai thác thủy sản vẫn là bắt buộc. Vậy nên, Nghị định 38 quy định với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên bao gồm không ghi nhật ký khai thác hoặc ghi không chính xác yêu cầu của tổ chức nghề cá khu vực hoặc báo cáo sai quy định của tổ chức nghề cá khu vực khi khai thác thuỷ sản trong vùng biển thuộc quản lý của tổ chức nghề cá khu vực sẽ bị xử phạt từ 500 triệu đến 700 triệu đồng. Hành vi khai thác thuỷ sản tại vùng biển của quốc gia, lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép khai thác thuỷ sản sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng.
“Như EC có nói, không có lý gì tàu đi vượt sang vùng biển nước bạn lại bảo là đi chơi được. Trừ trường hợp chết máy, bão gió thì lại khác, nhưng sẽ phải chứng minh” - ông Luân chia sẻ.
Đáng chú ý, Nghị định 38 đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của lực lượng Kiểm lâm. Lý do bổ sung để đảm bảo các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn được phát hiện kịp thời và bị xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và nuôi trồng thuỷ sản.
Hành động vì hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia về thủy sản trên trường quốc tế
Nghị định số 37/2024 có hiệu lực từ ngày 19/5 và Nghị định 38/2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 20/5, ông Trần Đình Luân, cho biết cả hai Nghị định mới ban hành này đều theo hướng kiểm soát và chế tài một cách nghiêm khắc các hành vi đánh bắt cá hợp pháp theo khuyến nghị của EC, qua đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc chống đánh bắt IUU, không chỉ vì mục tiêu gỡ thẻ vàng trước mắt, mà quan trọng là tạo chuyển biến thực sự của hoạt động thủy sản sang hướng bền vững.
Hội nghị triển khai các điểm mới theo Nghị định sửa đổi các Nghị định về thi hành Luật Thủy sản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản diễn ra chiều ngày 11/4 |
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhấn mạnh, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về việc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.
Cùng với đó, các Nghị định thay thế, sửa đổi, bổ sung đã được ban hành; các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia… về chống khai thác IUU. Các công cụ pháp lý đã rõ ràng, Trung ương đã nỗ lực thì tất cả địa phương cũng phải vào cuộc để gỡ ‘thẻ vàng IUU.
'Chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến nhưng để gỡ được 'thẻ vàng' thì các địa phương cần nỗ lực hơn nữa. Các địa phương cần tiếp tục tập trung vào quản lý giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định mới', Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Để chuẩn bị tốt nhất cho Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang Liên minh châu Âu (EU) báo cáo về chống khai thác IUU cũng như tiếp đón đoàn thanh tra của EC sang Việt Nam về gỡ ‘thẻ vàng’ đối với thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn của Bộ trên dưới phải đồng lòng, quyết liệt hành động chống khai thác IUU đáp ứng tốt nhất các khuyến nghị của EC.
Bởi theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây không chỉ là vấn đề chống khai thác IUU mà chúng ta hành động vì hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Vượt qua chống khai thác IUU đã khó nhưng đây là tiền đề đầu tiên phải vượt qua để hướng tới một ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản, minh bạch, trách nhiệm bền vững. Từ đó chuẩn bị cho “3 trụ cột” trong phát triển kinh tế thủy sản gồm: khai thác, nuôi trồng và bảo tồn biển. Do đó, chúng ta luôn làm với tâm thế trao đổi thẳng thắn, hành động thực sự và quyết liệt.
Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Theo đó, để đẩy mạnh công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau: 1. Xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, kịp thời phản ánh vi phạm, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp góp phần sớm gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" theo mục tiêu đề ra. 2. Thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thuỷ sản. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hoá nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống. 3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chấp pháp trên biển. Tổng rà soát, thống kê số lượng tàu cá và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thuỷ sản, cảng cá, đội tàu, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Bảo đảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; giám sát được 100% sản lượng thuỷ sản khai thác trên biển, tại cảng; không có sản phẩm thuỷ sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài. Kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thuỷ sản, thực hiện công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hoá hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu; tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát. Quan tâm đầu tư nguồn lực nhà nước; khuyến khích xã hội hoá, hợp tác công tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thủy sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thủy sản phát triển lâu dài, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 4. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước châu Âu và EU, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng"; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước thu thập hồ sơ, tài liệu, bản án, quyết định xử lý của nước sở tại đối với tàu cá, ngư dân vi phạm để phục vụ công tác điều tra, xử lý và bảo hộ công dân; kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại những vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước. Thúc đẩy đàm phán, ký kết phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước. 5. Về Tổ chức thực hiện: Các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị này tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về thuỷ sản, bảo đảm thống nhất, đồng bộ và giám sát việc thực hiện Chỉ thị. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Chỉ thị. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền Chỉ thị. Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, Nhân dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm Chỉ thị; thông tin, phản ánh các trường hợp vi phạm khai thác thuỷ sản bất hợp pháp; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị. Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong tổ chức thực hiện Chỉ thị. Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị này. Chỉ thị này phổ biến, quán triệt đến chi bộ. |