Được khởi động từ tháng 1/2017, dự án “Giáo dục dạy nghề” giữa Đan Mạch và Việt Nam hướng đến mục đích thu hẹp chênh lệch giữa kỹ năng và năng lực của sinh viên tốt nghiệp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động trong hai lĩnh vực nội thất và đồ họa bằng cách tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thúc đẩy học đi đôi với hành.
Ban chỉ đạo dự án gồm các đại diện quản lý đến từ Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bộ Giáo dục Đan Mạch, và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (MoLISA) Việt Nam. Trong giai đoạn thử nghiệm, Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng nghề TP. Hồ Chí Minh, Cao đẳng công nghệ và nông lâm Đông Bắc và Cao đẳng công nghệ và nông lâm Nam bộ là bốn trường được lựa chọn triển khai chương trình đào tạo nghề kép.
Tại hội thảo, đại diện ban quản lý dự án đã trình bày những thành tựu, bài học quan trọng trong giai đoạn thử nghiệm, đưa ra khuyến nghị cũng như công bố và thảo luận kế hoạch hành động của dự án trong giai đoạn tiếp theo.
Trong khuôn khổ giai đoạn I của dự án, các trường tham gia đã thực hiện điều chỉnh chương trình đào tạo của mình sao cho phù hợp hơn với xu hướng và thực tế hiện tại ở hai ngành nội thất và thiết kế đồ hoạ. Ngoài ra, hoạt động dự án còn bao gồm các khóa nâng cao năng lực và kỹ năng dành cho giáo viên dạy nghề, giúp họ cải thiện chất lượng giảng dạy.
Mục đích cuối cùng của dự án là xây dựng một chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề tương thích với nhu cầu và thực trạng của thị trường lao động. Một kết quả then chốt khác từ dự án chính là sách trắng được biên soạn dựa trên tất cả các kinh nghiệm và kết quả thu được trong giai đoạn I nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách, chiến lược giúp Bộ TB-LĐ&XH xây dựng một hệ thống giáo dục dạy nghề linh hoạt hơn với định hướng dựa trên nhu cầu thực tế tại Việt Nam.
Qua hai năm thực hiện, giai đoạn đầu tiên của dự án kết thúc với nhiều thành quả đáng ghi nhận. Cho đến nay, nhìn chung dự án đã hoàn thành và đạt hầu hết các mục tiêu then chốt như dự kiến, và được đánh giá phù hợp với nhu cầu của hệ thống giáo dục dạy nghề Việt Nam. Dự án cũng thu hút sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan cũng như thiết lập được kênh đối thoại cùng nhiều nhà tài trợ quốc tế khác nhau. Nhờ vậy, dự án đạt kết quả tốt trên nhiều phương diện, nhận được phản hồi rất tích cực từ các trường đào tạo nghề và các đối tác liên quan.
Ngoài ra, việc thành lập các Hội đồng kỹ năng nghề địa phương (HĐKNNĐP) với vai trò đầu mối liên lạc giữa nhà trường và doanh nghiệp đã hết sức thành công. Những hội đồng này tạo nên một diễn đàn trao đổi thông tin về nhu cầu kỹ năng hiện tại và tương lai của công ty, cũng như góp phần kéo quan hệ hợp tác giữa các trường, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các bên liên quan khác trở nên gần gũi, hiệu quả hơn. Nhờ vậy, các hội đồng kỹ năng nghề địa phương chính là khung khổ phát triển và thích ứng chương trình dạy nghề nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp với các nhiệm vụ chính như: thảo luận về các hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong cả ngắn và dài hạn, tư vấn xây dựng nội dung chương trình đào tạo cho trường dựa trên các nhu cầu kỹ năng mà doanh nghiệp cần cũng như thời gian và phương án triển khai các chương trình thực tập cho sinh viên tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, các hoạt động phát triển năng lực triển khai trong khuôn khổ dự án cũng được đánh giá cao. Những hoạt động này khá đa dạng, bao gồm từ việc đào tạo giảng viên, cán bộ quản lý, cán bộ hướng dẫn thực tập sinh tại doanh nghiệp cho đến các hoạt động hỗ trợ dành cho hội đồng kỹ năng nghề địa phương.
Tuy nhiên, để tạo ra sự thay đổi hiệu quả trong phương pháp làm việc và tư duy của tất cả thành viên tham gia dự án đòi hỏi phải có thêm thời gian.
Ông Torben Schuster, Cố vấn cấp cao của Bộ Giáo dục Đan Mạch nhận định, cải cách hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Các trường dạy nghề và Chính phủ Việt Nam đều nhìn nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên để thay đổi là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự tham gia của cả giáo viên và quản lý của các trường dạy nghề.
“Quá trình tăng cường tự chủ có các trường giáo dục dạy nghề sẽ giúp họ tự xây dựng thương hiệu, gắn kết hơn với khối doanh nghiệp nhưng cũng đồng thời làm tăng thêm nhiều thách thức mà họ hiện đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, cần tuyển dụng và tăng thêm sức trẻ vào lĩnh vực đào tạo giáo dục dạy nghề trên toàn quốc” - ông Torben Schuster cho hay.
Thay đổi giáo dục dạy nghề là một quá trình lâu dài. Dựa trên thành công của dự án thí điểm, Việt Nam và Đan Mạch thống nhất cùng tiếp tục giai đoạn II của dự án Giáo dục dạy nghề trong giai đoạnh 2019 -2022. Bên cạnh việc bổ sung ngành chế biến thực phẩm thành lĩnh vực hợp tác mới, giai đoạn II của dự án cũng sẽ gia tăng tìm kiếm đối thoại chính sách và cải thiện hợp tác với các đối tác quốc tế khác.
Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH trong việc tiếp tục đẩy mạnh trọng tâm vào lĩnh vực giáo dục dạy nghề. Đây là một lĩnh vực vô cùng quan trọng bởi giáo dục dạy nghề sẽ đem lại cơ hội việc làm cho giới trẻ, giúp xây dựng nên một lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng, lành nghề. Ngoài ra, giáo dục dạy nghề cũng sẽ hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế xã hội một cách mạnh mẽ, bền vững và công bằng”.
Việt Nam và Đan Mạch đã xây dựng quan hệ song phương chặt chẽ suốt gần một thập kỷ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Khi Đan Mạch kết thúc dần viện trợ phát triển truyền thống trong giai đoạn 2010 – 2015 do Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế cao và trở thành nước thu nhập trung bình, chương trình toàn cầu “Trở thành đối tác của Đan Mạch” đã được khởi xướng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác ngành chiến lược với 14 nước. Trong khuôn khổ chương trình này, giáo dục là lĩnh vực hợp tác chiến lược riêng giữa Việt Nam và Đan Mạch. Theo đó,“Dự án Giáo dục nghề nghiệp” trong 2 ngành nội thất và thiết kế đồ họa đã được khởi xướng vào tháng 1/2017 và kết thúc trong năm 2019. |