Xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp chuyên canh cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên |
Sản xuất theo hướng bền vững
Sản xuất cà phê đạt chứng nhận đã chứng minh được hiệu quả nhiều mặt khi vừa giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân, thân thiện với môi trường. Trong chuỗi giá trị này, HTX đã phát huy hiệu quả với vai trò “cầu nối”.
Với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Dak Man Việt Nam, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết đã áp dụng sản xuất cà phê theo chứng nhận Fairtrade (thương mại công bằng). Một trong những điều khiến các hộ sản xuất cà phê yên tâm khi tham gia vào HTX là không phải lo đầu ra cho sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.
Tương tự, tại HTX Công Bằng Thuận An, để giúp nông dân trong vùng canh tác cà phê theo hướng bền vững, HTX đã đăng ký tham gia vào hiệp hội Fairtrade. Hiện nay, HTX có 98 xã viên với 190ha cà phê và sản lượng đăng ký đạt tiêu chuẩn sạch trên 600 tấn nhân, được mua với giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 5.000 đồng/kg. Sản phẩm cà phê nhân xô của HTX được xuất khẩu vào thị trường châu Âu thông qua Tổ chức Fairtrade thế giới.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tại các tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp chuyên canh cây cà phê hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả như: HTX cà phê Lâm Viên, HTX sản xuất cà phê bền vững Ea Kmát, HTX nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết… TS.Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho biết, các HTX đã thể hiện tốt vai trò phát triển cà phê bền vững khi vận động nông dân cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như UTZ Certified, 4C, thương mại công bằng. Đến nay, đã có hơn 297.000ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế với sản lượng trên 600.000 tấn cà phê nhân được chứng nhận. Các HTX đã liên kết với doanh nghiệp, dần khẳng định thương hiệu và thâm nhập thị trường các nước, chống bị tư thương ép giá, ổn định đầu ra, tạo thu nhập khá cho các thành viên HTX, cải thiện và nâng cao đời sống của người sản xuất.
Cần nhân rộng mô hình
Ông Trần Văn Khởi cho rằng, nhu cầu liên kết rất lớn, tuy nhiên, số HTX thực hiện liên kết được với DN để tiêu thụ sản phẩm còn ít. Người nông dân đa số vẫn phải “tự làm, tự bán”, dẫn đến rủi ro nhiều trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thu nhập của người dân.
Để nhân rộng mô hình này, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới; trong đó, các thành viên phải góp vốn vào HTX và được hưởng các lợi ích từ HTX đem lại như: Chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí, đạt giá bán tốt trên thị trường, sự ổn định đối với dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các HTX. Bên cạnh đó, vận động người trồng cà phê tham gia vào HTX, cam kết tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm của người trồng. Từ đó, đưa các mô hình sản xuất bền vững cho cây cà phê như chứng chỉ 4C, VietGAP, UTZ… mà các nước đã và đang áp dụng. Thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, thông qua đó, HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ đầu ra như: Thu mua, bảo quản, chế biến sản phẩm, tiếp thị...
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn kiến nghị, cần sớm xây dựng ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp (thay thế Quyết định 62/2013/QĐ-TTg). |