Chỉ trì hội nghị có: Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, đại diện các Sở Công Thương phía Nam và 300 doanh nghiệp (DN) là các đơn vị bán lẻ, nhà cung cấp hàng hóa trên cả nước.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu chỉ đạo |
Hàng Việt: Nhiều cơ hội vào kênh phân phối
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, hàng hóa của DN ngày càng phải cạnh tranh với mẫu mã tốt, hấp dẫn, giá thành hạ; nhưng nếu không có kênh phân phối, các nhà sản xuất sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ. Thông qua Hội thảo- Triển lãm - Truyền thông kết nối hàng Việt với các kênh phân phối hôm nay, các nhà phân phối đã ký kết hơn 40 hợp đồng hợp tác với nhiều hàng hóa, sản phẩm mới. Thông qua những ký kết này, Bộ Công Thương mong muốn các đơn vị bán lẻ, các nhà sản xuất tích cực hợp tác với nhau để đưa hàng Việt lan tỏa hơn tới người tiêu dùng trong nước.
Ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - nhấn mạnh vai trò kết nối cung cầu hàng hóa của TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước. Trong những năm qua, thành phố luôn chủ động tổ chức các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với nhiều địa phương và đạt kết quả tích cực. Thông qua đó, thành phố và các địa phương đã hỗ trợ, làm cầu nối để DN các địa phương liên kết trong nhiều lĩnh vực; hợp tác điều hành cân đối cung - cầu và bình ổn thị trường. Chương trình này đã được triển khai từ năm 2012, đến nay đã có 1.400 hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm được ký kết với doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng; trong đó DN thành phố tiêu thụ hàng hóa trị giá trên 13.500 tỷ đồng của các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh thành trị giá trên 6.500 tỷ đồng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm, thời gian tới, thành phố khuyến khích DN các tỉnh có năng lực, uy tín tham gia đầu tư phát triển hệ thống phân phối, các điểm bán đạt chuẩn xen kẽ trong khu dân cư, khu lưu trú công nhân, các bếp ăn tập thể... Để tạo điều kiện cho DN, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các địa phương xây dựng cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kênh phân phối khu vực nông thôn, nhằm đưa ngày càng nhiều sản phẩm sạch, độc đáo về thành phố.
Ông Nguyễn Hữu Quý- Tổng Biên tập Vuasanca - nhấn mạnh về các chương trình tuyên truyền hàng Việt của Vuasanca |
Liên quan đến các chương trình hỗ trợ quảng bá cho hàng Việt, ông Nguyễn Hữu Quý - Tổng biên tập Vuasanca - chia sẻ, thực hiện triển khai và đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014- 2020; Vuasanca đã xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt” trên tất cả các ấn phẩm để người tiêu dùng trong nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, khả năng kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của DN Việt Nam.
Trong hai năm 2014 - 2015, Vuasanca đã phối hợp với Công ty Lotte Mart Việt Nam tổ chức hoạt động “Triển lãm và truyền thông hàng Việt tiêu biểu”, tuyển chọn những sản phẩm Việt tiêu biểu để giới thiệu tại hệ thống Lotte Mart Hàn Quốc. Tháng 7/2015, Vuasanca phối hợp cùng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo - Triển lãm “Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được” nhằm tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, khuyến khích các cơ quan, DN sử dụng máy móc, thiết bị vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước… Hội thảo - Triển lãm - Truyền thông kết nối hàng Việt với các kênh phân phối góp phần tăng cường kết nối hàng Việt Nam sản xuất vào các hệ thống siêu thị, kênh phân phối trong và ngoài nước.
Vẫn còn nhiều rào cản
Từ phía đơn vị phân phối, ông Nguyễn Vũ Toàn - Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op - cho hay, dù Saigon Co.op luôn ưu tiên cho các sản phẩm hàng Việt nhưng không thể phủ nhận rằng, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập. Đơn cử là hàng nông sản, chỉ tính từ đầu năm tới nay doanh số bán hàng ngoại nhập tại hệ thống Co.opmart đã tăng đến 40% so với cùng kỳ. Đây là thách thức lớn cho hàng Việt nếu không có sự đa dạng, cải tiến mẫu mã, chất lượng. Theo ông Toàn, các DN sản xuất muốn tiêu thụ sản phẩm tốt cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, chiếm lĩnh và duy trì thị trường bằng chính sách chất lượng, cải tiến công nghệ, giảm giá thành...
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tham quan các gian hàng của triển lãm được tổ chức trong khuôn khổ hội thảo |
Bà Trần Thúy Liên - Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền - nêu quan điểm: TP.Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất trên cả nước có mô hình chợ đầu mối với 3 chợ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Hiện chợ Bình Điền có 7 nhà lồng (diện tích 20 ngàn m2/ nhà lồng) kinh doanh các nhóm hàng nông sản khác nhau với thế mạnh thủy hải hải chiếm 70% khối lượng tiêu thụ của toàn thành phố. Lượng hàng hóa giao dịch tạo chợ đạt khoảng hơn 100 tỷ đồng giao dịch/ đêm. Với ưu điểm hàng về chợ đầu mối thường từ các nhà sản xuất, kiểm soát được chất lượng, giá cả cạnh tranh..., vì vậy các kênh phân phối muốn có lượng hàng hóa tốt, ổn định có thể tìm đến các chợ đầu mối.
Theo ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH: Hiện nay, việc kết nối với hệ thống siêu thị và các kênh phân phối còn có nhiều khó khăn, hạn chế như: Chi phí chiết khấu của các hệ thống siêu thị khá cao (từ 15-20%, tùy siêu thị), chưa kể mỗi năm các hệ thống siêu thị đều đề nghị tăng mức chiết khấu từ 0,5- 2%. Chi phí cho các nhãn hàng mới cũng khá cao, chi phí mặt bằng tại hệ thống siêu thị cao... Ông Hải đề xuất, các siêu thị nên căn cứ tình hình kinh doanh của nhà cung cấp, đưa ra mức chiết khấu thương mại hợp lý, giảm thiểu khoảng cách giá bán giữa kênh siêu thị và kênh truyền thống. Cần xem xét và thay đổi qui định nhập date sản phẩm đối với công ty có nhà máy sản xuất xa thị trường bán hàng…
Bà Huỳnh Bảo Châu - Giám đốc Marketing Cholimex Food - thì cho rằng, dù là đơn vị có sản phẩm phân phối từ Bắc đến Nam song đơn vị này vẫn gặp khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị, khó khăn nhất là mức chiết khấu cao. Ngoài ra, DN còn phải chi thêm những khoản chi phí không chính thức cho nhân viên siêu thị để hàng được đưa lên quầy kệ hoặc phải có PG của công ty đứng tại siêu thị để phụ những việc khác, nếu không hàng sẽ không được ưu tiên xuất ra kho đưa lên kệ. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần ra chính sách/quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm cho các nhà phân phối. Họ không được tăng mức chiết khấu thương mại quá mức quy đinh, thậm chí còn phải giảm mức chiết khấu cho nhà cung cấp để có hàng phục vụ thị trường trong những dịp lễ lớn. Cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội, ngành nghề trong việc kết nối giải quyết những khó khăn của DN trước những chính sách phi lý mà nhà phân phối đang thực hiện. Nhà nước cần ban hành chính sách để hỗ trợ DN Việt trên thị trường bán lẻ, có thể quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ, ưu tiên các điểm bán lẻ cho DN trong nước…
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa 6 nhà phân phối với hơn 40 DN sản xuất hàng Việt. Các đơn vị phân phối thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ gồm: Lotte Mart Việt Nam (ký với 14 DN), Circke K (với 5 DN), Auchan (với 8 DN), Giant (8 DN), Aeon (2 DN), Co.opmart (5 DN). |