Ảnh minh họa: internet
CôngThương - Hôm qua (14/2) là một ngày quan trọng đối với kinh tế thế giới. Sự đổi ngôi giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã trở thành sự kiện nóng xuất hiện trên hầu hết các báo tài chính kinh tế lớn.
Sự xì hơi của bong bóng trên thị trường chứng khoán và địa ốc của Nhật Bản trong thập niên 1990 đã khiến kinh tế Nhật Bản suy yếu và giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc liên tục vượt lên, đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
“Nếu kinh tế Nhật Bản tăng trưởng hơn 1% mỗi năm trong suốt hai thập niên qua, thì chúng ta vẫn có thể dẫn trước Trung Quốc thêm 20 năm nữa”, Takatoshi Ito, giáo sư Viện kinh tế thuộc trường đại học Tokyo, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, cho hay.
Thực tế, cái giá như đó đã không hề xảy ra. Suốt 20 năm qua, kinh tế Nhật rơi vào tình trạng đình trệ. Cùng với đó, ảnh hưởng kinh tế của nước này trên trường quốc tế cũng suy giảm liên tục, dù giữ ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ trong phần lớn thời gian của bốn thập kỷ qua.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc chính thức được thừa nhận đã qua mặt Nhật Bản vào ngày hôm qua, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, vẫn chỉ là con số tượng trưng, không nói lên được điều gì.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu xét về GDP theo đầu người, dân chúng Nhật Bản vẫn là những người giàu nhất nhì trên thế giới. Số liệu cũng cho thấy, khoảng 100 triệu người Trung Quốc gần tương đương dân số Nhật sống dưới mức hai USD một người một ngày.
Ông Robin Li, Giám đốc điều hành của công ty sở hữu công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc nhận định: “Có một thực tế rõ ràng cho thấy, Trung Quốc vẫn chưa thể tạo ra những doanh nghiệp với sức ảnh hưởng thật sự lên toàn thế giới như Toyota hay Sony để tương xứng với vị trí thứ 2 của nền kinh tế”.
Do đó, nhiều nhà phân tích thẳng thắn cho rằng, bước nhảy trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới của Trung Quốc vẫn chỉ là hư danh.
Thêm vào đó, sự thành công của Nhật Bản vẫn được coi là một hình mẫu của phần đông các quốc gia trong thế giới phát triển, và được ca tụng như một phép thần kỳ sau Thế chiến thứ hai.
“Nhìn từ viễn cảnh của phương Tây, Nhật Bản là một nền kinh tế đang suy yếu với những vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng, nhưng cái nhìn của Nhật Bản rất khác với phần còn lại của châu Á”, Sherman Abe, giáo sư chiến lược kinh tế quốc tế thuộc Viện Chiến lược hợp tác quốc tế, trường Đại học Hitotsubashi nói với tờ WSJ.
Vào những năm 1980, các sản phẩm của Nhật Bản như điện tử và ôtô đã thu hút nhu cầu sử dụng toàn cầu. Trong thời kỳ hoàng kim này, kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng hơn 7% mỗi năm.
“Nhật Bản vẫn được coi là ví dụ sáng lạn về sự thành công, khi bạn tới các quốc gia như Myanmar, Ấn Độ và Việt Nam”, giáo sư Abe nói thêm.
Quan điểm của các chuyên gia phân tích đã nhận được sự đồng tình của chính các sinh viên Trung Quốc đang du học ở Nhật Bản. Những sinh viên này cho rằng, thang giá trị GDP vốn chẳng mang lại khoảnh khắc chiến thắng với Trung Quốc, cũng không hề tạo cảm giác giai đoạn tồi tệ đối với Nhật Bản.
“Cho dù Nhật Bản xuống vị trí số 3 và Trung Quốc vượt lên số 2, tôi vẫn cho rằng, GDP không phải là đích tới. GDP chỉ là một công cụ đánh giá mức độ phát triển kinh tế mà thôi”, Tạ Chí Hải, sinh viên 28 tuổi đang học trường Waseda ở Tokyo cho hay.
“Thước đo chuẩn mực”, theo anh Hải, “là liệu mọi người có cảm thấy cuộc sống dễ chịu hay không. Ở Nhật Bản, tôi có thể cảm nhận được điều đó”. Anh Hải khẳng định, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn chỉ bằng 1/10 của Nhật Bản.
Tờ WSJ bình luận, việc Trung Quốc đang tăng trưởng bùng nổ là không thể phủ nhận. Các thành phố ngày được mở rộng và hiện đại hóa, sức mạnh chính trị của Trung Quốc đang tăng lên rất nhanh, nhưng ngược lại nước này cũng đối mặt với vô số vấn đề phải lấp khoảng trống, như tình trạng đói nghèo ở nông thôn, nạn ô nhiễm môi trường, thiếu hạ tầng cơ sở ở nhiều vùng…
Lý An Minh, một sinh viên Trung Quốc đang học ở Tokyo cho hay, “tôi không nghĩ Nhật Bản đang suy yếu, mà chỉ đứng nguyên ở chỗ cũ, nên khi so với tốc độ tăng trưởng rất nhanh của Trung Quốc, người ta có cảm giác Nhật Bản đang lùi”.
“Nhưng Nhật Bản vẫn có nhiều điểm mạnh như công nghệ, và Trung Quốc không dễ san lấp khoảng trống này”, anh nói thêm.
Đó chính là lý do vì sao sinh viên Trung Quốc tiếp tục đổ xô sang Nhật Bản du học. Sinh viên Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các du học sinh nước ngoài ở Nhật Bản. Năm 2010, có hơn 86.000 sinh viên đến từ Trung Quốc, tăng 9% so với năm trước đó.