Phát triển quy mô trồng cây dược liệu
Theo kế hoạch năm 2022, tỉnh Kon Tum có kế hoạch trồng mới 2.000 ha dược liệu và 500 ha sâm Ngọc Linh. Đến nay, các địa phương, đơn vị đã đăng ký diện tích trồng dược liệu, sâm Ngọc Linh được 2.484.5 ha, đạt 99,4% kế hoạch.
Sâm Ngọc Linh phát triển dưới tán rừng. Ảnh: Thành Long |
Đối với mục tiêu trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum giao UBND huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông (2 địa phương có khu vực quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh) tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương khi đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh gắn với chế biến. Tương tự, đối với mục tiêu trồng mới 2.000 ha dược liệu khác, công tác tuyên truyền, vận động phải được chú trọng.
Sản phẩm Sâm Ngọc Linh. Ảnh: Thành Long |
Ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho hay, các đơn vị, địa phương được giao kế hoạch để chuẩn bị tốt các điều kiện ban đầu (giống, đất, tài chính, lao động...) sẵn sàng xuống giống khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu của người dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác, liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Có cơ chế để các doanh nghiệp đầu tư dược liệu tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Kon Tum.
Bên cạnh đó cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc đầu tư, phát triển và lưu thông dược liệu trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, trồng và phát triển các dược liệu kém chất lượng, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động liên kết với người dân để trồng sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc.