Cần kết hợp giữa xây dựng thương hiệu và gắn kết sản phẩm cùng những điểm đến du lịch |
Nhà nước tích cực hỗ trợ
Để giúp các DN nông nghiệp quảng bá thương hiệu, từ năm 2008 đến nay, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã được triển khai và đã hỗ trợ DN xây dựng nhiều thương hiệu lớn, trong đó có các thương hiệu nông sản như cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk… Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã vinh danh 138 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Việc làm này giúp các DN xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần mở rộng và phát triển thị trường.
Hỗ trợ DN trong việc xây dựng thương hiệu là một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ Công Thương những năm tới. Tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 9 - Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia - cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ DN nâng cao nhận thức về xây dựng, quảng bá thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước.
Riêng mặt hàng nông sản, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ ưu tiên hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp DN xây dựng, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc thiết kế mẫu mã bao bì, quảng bá hình ảnh sản phẩm và giúp các địa phương tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Không chỉ hỗ trợ xây dựng, nhằm hỗ trợ các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tìm và giữ vững được thị trường tiêu thụ, Bộ Công Thương sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối với hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, giúp các DN đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam có điều kiện phát triển và quảng bá thương hiệu của mình.
Liên kết tạo sức mạnh
Để tận dụng tốt nhất những sự trợ giúp từ nhà nước, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, người dân và DN cần quan tâm và “bắt tay” với nhau để xây dựng thương hiệu. Trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh, đầu tư giống, công nghệ sản xuất, chế biến để xây dựng thương hiệu. Từ đó, tạo ra sự bứt phá về sản lượng, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt, đáp ứng an toàn, vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh.
Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng, trong hoàn cảnh hội nhập sâu rộng, các DN cần liên kết với nhau, hợp tác nâng cao sức cạnh tranh, gỡ khó khăn về vốn. Đồng thời tránh những hình thức cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc hình thành thương hiệu sản phẩm.
Đồng ý kiến với ông Lang, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - chuyên gia tư vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia, để tạo dựng hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, trước tiên DN phải biết đoàn kết. Đây phải được coi như điều kiện tiên quyết mới có thể có những sản phẩm thương hiệu lớn. Cùng với đó, phải kết hợp giữa xây dựng thương hiệu với các điểm đến du lịch và gắn kết sản phẩm cùng những điểm đến đó. Những điểm đến du lịch sẽ góp phần gia tăng độ nhận biết thương hiệu và tạo cảm nhận nhanh nhất, đầy đủ nhất về đất nước, con người của một quốc gia.
Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Tổng thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia: Các cơ quan Chính phủ, trong đó có Bộ Công Thương, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thực hiện đúng mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của DN - động lực phát triển đất nước. |
TIN LIÊN QUAN | |