Đẩy mạnh phát triển đảng viên mới chính là tăng cường sức mạnh cho tổ chức đảng cơ sở lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở địa phương. ------- |
Trong quá trình thực tế tại xã Pả Vầy Sủ- một xã biên giới đặc biệt khó khăn của Xín Mần, phóng viên Vuasanca đã có dịp tiếp cận với những đảng viên thôn/bản nói tiếng phổ thông còn “chậm” hơn “đôi tay” chăm sóc dê, lợn, gà. Anh Giàng Seo Lìn – Đảng viên thôn Thèn Ván, dân tộc Mông năm nay 34 tuổi. Chỉ vào đàn dê sinh sản của mình, anh Lìn cho biết, trước đó tôi nuôi bò, nhưng sau thấy nuôi dê sinh lời và nhanh thu hồi vốn nên từ tháng 5/2022 tôi đã chuyển sang nuôi dê. Hiện gia đình anh Lìn đang nuôi 7 con lợn, 40 con dê, đến nay sau 18 tháng gia đình anh Lìn đã xuất chuồng được 4 lần, với tổng số tiền lãi 60 triệu đồng, chưa kể tiền bán lợn. Theo lời anh Lìn kể, lúc đầu gia đình anh lựa chọn chăn nuôi trâu bò vỗ béo, sau đó chuyển sang nuôi dê. Khi tham gia đoàn thanh niên anh Lìn được Đoàn thanh niên xã cho thăm quan một số mô hình phát triển kinh tế ở xã khác. Thấy các xã phát triển kinh tế chăn nuôi theo hướng hàng hóa rất tốt, anh đã học hỏi và quyết định phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cho gia đình. “Cháu lớn nhà tôi đang học lớp 10 ở Thái Nguyên con thứ 2 học ở trường nội trú ở huyện Xín Mần. Nhờ phát triển chăn nuôi giờ tôi đã có thu nhập ổn định để con đi học.”- anh Lìn cho hay.
|
Năm 2015, chàng trai Giàng Seo Lìn tham gia Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đến năm 2017 anh Lìn đã chính thức được kết nạp Đảng. Với trách nhiệm của một đảng viên, anh Giàng Seo Lìn luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội tại địa phương. Anh Lìn chia sẻ, khi tôi vào Đảng, tôi đã tham mưu cho Bí thư Chi bộ thôn và Trưởng thôn hỗ trợ người dân trong thôn, bản phát triển kinh tế, tiếp cận các chương trình cho vay ưu đãi thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Tại các cuộc họp của thôn tôi cũng tuyên truyền cho bà con và các đoàn viên, thanh niên trong thôn trong cải tạo vườn tạp, đầu tư cho phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời khuyến khích bà con đi thăm quan các xã để học hỏi và cùng phát triển kinh tế, giúp gia đình thoát nghèo. Khi xã mời cán bộ thú y ở huyện về hỗ trợ hướng dẫn bà con chăm sóc, chủ động tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, tôi cũng đã tuyên truyền, vận động bà con tham gia. Đồng thời, hướng dẫn bà con tiếp cận công nghệ thông tin, vào các trang mạng xã hội như Facebook, tìm kiếm các webite, fanpage của các doanh nghiệp, cơ sở thu mua nông sản để giới thiệu các sản phẩm của gia đình. Nhờ đó tôi cùng với nhiều hộ gia đình ở Thèn Ván đã có thể bán trực tiếp lợn, dê, gà cho các cơ sở kinh doanh trong tỉnh, các cơ sở này về tận gia đình để thu mua. |
Trong quá trình dẫn tôi đến thăm một số mô hình phát triển kinh tế của địa phương, theo lời kể có lẽ cũng là lời nhận xét của mình, ông Lê Văn Tiến - Bí thư xã Pả Vầy Sủ vừa cười vừa nói “Nhà báo ơi, hết thời cán bộ xã “tai nghe thời tiết, mắt liếc đồng hồ” rồi”. Thực hiện phát triển kinh tế, với chủ trương của Đảng, chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025), Pả Vầy Sủ đã tuyên truyền nhận thức rõ đây là nhiệm vụ quan trọng, ngoài công tác xây dựng đảng, xã luôn tranh thủ đề xuất nguồn vốn nhất là vùng đồng bào đặc biệt khó khăn. “Ở Pả Vầy Sủ với địa hình địa lý khó khăn, chủ yếu là núi đá, nhiều nơi người dân không chỉ thiếu đất, thiếu nước để sinh sống, canh tác nhất là 4 thôn vùng cao. Tuy nhiên, nhờ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các thôn, bản được xây dựng bể chứa nước. Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi và các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, giống, tiêu thụ sản phẩm…qua đó, nhiều mô hình kinh tế gia đình theo hướng trang trại đã được hình thành như các mô hình: Chăn nuôi lợn, bò vỗ béo, gà đen, cá lồng, dê bo lai sinh sản, ngựa…”- ông Tiến cho hay. Không chỉ có đảng viên Giàng Seo Lìn, ở Pả Vầy Sủ còn nhiều lắm những đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế và làm tấm gương cho người dân noi theo. Hiện Pả Vầy Sủ có trên 20 mô hình kinh tế trang trại là của những đảng viên trẻ như đảng viên Sùng Seo Sáng là Công an viên ở thôn Thào Chư Ván. Được biết nhờ nuôi gà đen thương phẩm, mỗi năm gia đình đảng viên Sùng Seo Sáng xuất bán 4 lứa và lợi nhuận thu được khoảng 120 triệu đồng/năm; đảng viên Vàng Seo Páo thực hiện chương trình Cải tạo vườn tạp trồng rau xanh cung cấp cho các trường bán trú trên địa bàn xã và chợ dân sinh hàng tuần, mỗi năm thu nhập từ 35-40 triệu đồng…nhiều người dân ở trong xã và các địa phương lân cận đã đến thăm mô hình của các đảng viên và học hỏi kinh nghiệm. |
Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, năm 2023 huyện Xín Mần giảm được 846 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 44,9%; hộ cận nghèo chiếm 13,9%. Chia sẻ về kết quả trên Bí thư Huyện ủy Hoàng Nhị Sơn cho hay: Đảng bộ huyện Xín Mần ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020-2025, chúng tôi đã bắt tay vào xây dựng các nghị quyết chuyên đề, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, kinh tế nông nghiệp của Xín Mần đã tăng trưởng đột phá, tỷ trọng chăn nuôi tăng 42% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp huyện. |
Theo đó, Xín Mần đã phát triển các sản phẩm đặc hữu như: Thảo quả, chè Shan tuyết, rau củ quả ôn đới; cây ăn quả như: Hồng, Mận, Lê, Đào…Cùng với đó, các sản phẩm chăn nuôi gắn kết các hộ gia đình nông dân với các hợp tác xã nông nghiệp dựa trên chương trình OCOP quốc gia. Qua đó Xín Mần đã gắn kết 25 chuỗi giá trị hàng hóa và có 22 Hợp tác xã/ doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm cho người dân. “Có sản phẩm được xuất sang thị trường Nhật Bản như củ cải muối. Năm 2023, Xín Mần đã xuất khẩu ước đạt 1.200 tấn củ cải muối, và hiện chúng tôi đang tiếp tục xúc tiến cho các sản phẩm: Gừng, măng bát độ..”- ông Hoàng Nhị Sơn thông tin. Trong lĩnh vực chăn nuôi, bên cạnh việc phát triển ngựa, trâu, bò, dê là những sản phẩm đặc trưng của của tỉnh Hà Giang và Xín Mần, với chất lượng thịt thơm, ngon, bà con đã có kinh nghiệm vỗ béo, qua đó từng bước tham gia và chuỗi cung ứng cung cấp thịt trâu, bò, dê cho thị trường Trung Quốc. Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm truyền thống, đặc hữu, với lợi thế vùng cao có khí hậu mát, năm 2023 Xín Mần tiếp tục phát triển sản phẩm nuôi cá nước lạnh (Cá tầm, cá hồi), tận dụng các lòng hồ thủy điện nuôi cá lồng tạo sinh kế bền vững cho người dân. |
Để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại chỗ, Xín Mần đã đẩy mạnh phát triển du lịch. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Xín Mần xác định, phát triển nông nghiệp phải kết hợp với du lịch. Đây là 2 trụ cột chính cho phát triển kinh tế của địa phương. Ông Hoàng Nhị Sơn chia sẻ, nếu như năm 2022 Xín Mần đón khoảng 30.000 lượt khách du lịch thì năm 2023 con số này ước đạt 100 nghìn lượt khách. Đặc biệt, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản tại chỗ, Xín Mần đã thực hiện Nghị quyết số 05 của BCH Tỉnh ủy về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, năm 2023 Xín Mần đã triển khai trên 1.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với mức cao nhất 30 triệu đồng/hộ để cải tạo vườn tạp xung quanh nhà mình để trở thành vườn rau dinh dưỡng, trang trại chăn nuôi, ao cá, vườn cây ăn quả. Hiện Xín Mần đã cung cấp được nguồn rau xanh, trứng, thịt, cá cho nhu cầu của gia đình để nâng cao bữa ăn dinh dưỡng và các bếp ăn tại các trường bán trú. Ước tính, năm 2023 tổng giá trị các bữa ăn mà hộ gia đình tự cung cấp đạt khoảng 2,3 tỷ đồng. |
Theo ông Hoàng Nhị Sơn, để thực hiện tốt chủ trương trên, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo đảng viên phải đi trước, mỗi đảng viên phải tham gia làm một vườn rau trong khuôn viên gia đình để cải tạo vườn rau của mình sạch đẹp, các chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phải được thiết kế vệ sinh và cách xa nhà đảm bảo môi trường nông thôn sạch đẹp. “Đây là ý nghĩa trong công tác triển khai vừa mang tính chất xóa đói giảm nghèo vừa xây dựng nông thôn mới và đảng viên phải đi đầu gương mẫu. Nhờ đó 3 năm qua việc phát triển kinh tế ở Xín Mần được thực hiện tốt và mang lại hiệu quả thiết thực” - ông Hoàng Nhị Sơn khẳng định. |
Ngoài ra, trong phát triển kinh tế, quan trọng là giải quyết việc làm cho thanh niên, mỗi năm Xín Mần đã tổ chức giải quyết cho khoảng 3.500 lao động trong độ tuổi thông qua phối hợp, liên kết với các Trung tâm đào tạo, giới thiệu việc làm, doanh nghiệp về Xín Mần tuyển dụng. Nhiều lao động tại địa phương sau khi được các công ty của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tuyển dụng cho đi đào tạo và lao động tại doanh nghiệp, thu nhập thấp cũng từ 10-13 triệu đồng/tháng, cá biệt có trường hợp thu nhập 27 triệu đồng/tháng. Chỉ sau vài năm làm việc tại các doanh nghiệp của TKV, nhiều lao động đã gửi tiền về quê để hỗ trợ gia đình xây dựng nhà cửa, tạo vốn phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, có nhiều hộ gia đình đã trở thành hộ khá, giàu tại các xã, thị trấn của Xín Mần. |
Ông Hoàng Nhị Sơn nhấn mạnh: “Xuất khẩu lao động ra ngoài huyện và thị trường lao động nước ngoài là hướng đi của địa phương, bởi với địa hình khó khăn, điều kiện, địa lý chỉ có thể phát triển nông nghiệp và ổn định kinh tế hộ gia đình còn làm giàu là rất khó do đất cho sản xuất ít, nguồn nước khó khăn, không có thuận lợi để phát triển công nghiệp hay dịch vụ do đó xuất khẩu lao động giúp người dân có thu nhập cao và ổn định. Thời gian tới cùng với phát triển cơ sở đảng, phát triển kinh tế hộ gia đình thì công tác đào tạo nghề cho thanh niên trong độ tuổi lao động tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của Xín Mần trong phát triển kinh tế”. Nhờ các giải pháp đồng bộ trên, trong đó đảng viên tại cơ sở đóng vai trò then chốt, từ năm 2020 đến nay kinh tế Xín Mần từng bước được khởi sắc, diện mạo nông thôn được thay đổi, số thu ngân sách của huyện đều vượt trên 100% so với kế hoạch được giao. Năm 2023, đến giữa tháng 12, thu ngân sách của Xín Mần đã đạt 104% cùng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật khác cũng đã hoàn thành, như giảm nghèo được 7%/năm… là điểm sáng điểm nổi bật của phát triển kinh tế của Đảng bộ Xín Mần trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. |