Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, không ai biết đến, Việt Nam đã vươn lên không chỉ trở thành 1 điểm sáng về phát triển kinh tế, hội nhập, xoá đói giảm nghèo mà còn là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua nhiều hoạt động thiết thực, lan toả truyền thống tốt đẹp về một dân tộc yêu chuộng hoà bình, đạo đức và nhân văn. Tất cả tạo nên một thiên anh hùng ca về nhân ái Việt Nam. ---------- |
Có lẽ hiếm có một quốc gia nhỏ bé nào nào trên thế giới lại chịu nhiều sóng gió đến từ địch hoạ, thiên tai như Việt Nam. Và cũng hiếm có quốc gia nào duy trì được truyền thống văn hoá tốt đẹp, tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết, tương thân, tương ái, bao dung và nhân nghĩa như Việt Nam. Điều đó đã được minh chứng qua hàng nghìn năm lịch sử, qua 2 cuộc kháng chiến đầy cam go cũng như trong thời đại Hồ Chí Minh hôm nay. Theo tư liệu lịch sử để lại, vào năm 1428, trong Bình Ngô đại cáo, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã viết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Trong đó đã thể hiện sự quang minh chính đại, tinh thần bất khuất của một dân tộc quật cường nhưng cũng đầy phẩm giá, cốt cách và nhân văn, vị tha. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, yếu tố tạo nên sức mạnh của dân tộc được bắt nguồn từ các giá trị của văn hoá. |
Nhìn lại dòng chảy lịch sử của dân tộc, tinh thần nhân văn ấy mới thể hiện mà truyền thống ấy – sức mạnh nội sinh ấy đã luôn chảy trong huyết quản mỗi con dân mang dòng máu Lạc Hồng. Đó là Quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng, hũ gạo cứu đói để cho đồng bào được sống trong những ngày đầu đất nước giành được độc lập. Hay trách nhiệm với miền Nam ruột thịt của đồng bào miền Bắc “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. |
|
Hay chỉ mới đây thôi, khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, Việt Nam nằm trong tâm điểm ấy với nhiều con số quặn lòng đau thương. |
|
Đó là những “Siêu thị 0 đồng”, “cây ATM gạo”, quần áo miễn phí, những chiếc khẩu trang, bữa cơm đạm bạc…Đó là những lá đơn xung phong ra tiền tuyến, sự hy sinh của lực lượng y tế, công an…trong cuộc chiến khốc liệt, vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết. Sự nhân nghĩa, tử tế của Việt Nam đã vượt qua khỏi biên giới quốc gia và ngày càng lan toả trên thế giới bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa của các tổ chức, hoặc cá nhân của người Việt Nam. |
Ở vai trò là thành viên của Liên hiệp quốc, Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp hoặc tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của hội đồng nhân quyền về các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế. Tinh thần tương trợ của Việt Nam còn thể hiện qua những lời hỏi thăm, động viên, chia sẻ bằng tinh thần vật chất đến người dân Nhật Bản trong trận động đất - sóng thần tháng 3/2011; những tấn gạo nghĩa tình đến nhân dân cộng hoà dân chủ Triều Tiên, Cu Ba… Hay những chiếc khẩu trang nhỏ bé đến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19… |
Đó là sự giúp đỡ của các chuyên gia nông nghiệp đối với các nước nghèo ở châu Phi, Mỹ La tinh… Đó là sự tham gia của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam tại các quốc gia có xung đột ở một số khu vực. Hay hình ảnh những quân nhân Việt Nam trong các vai trò khác nhau tại Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc luôn để lại những dấu ấn khó quên của người dân địa phương và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao không chỉ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà còn ở sự giúp đỡ người dân địa phương, lan toả tinh thần yêu chuộng hoà bình, tinh thần trách nhiệm, tương thân trợ giúp. |
Hay trên hành trình lập nghiệp của mình, chàng trai Nghệ An Nguyễn Quang Linh và nhóm bạn người Việt của mình đã vượt qua rào cản ngôn ngữ, hy sinh thời gian, tiền bạc giúp người dân Angola về vật chất, giúp họ có điện thắp sáng, có nước sạch để uống, có trường để gieo con chữ; biết chăn nuôi, trồng trọt hoa màu để giảm nghèo. Dù chưa rộng khắp, nhưng Phạm Quang Linh cùng nhóm người Việt đã khiến những người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều tự hào. Bởi lẽ, họ đã lan toả tình nhân ái, văn hoá hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt, giúp kết nối tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Angola. |
Và ở bất kỳ nơi nào có lòng chân ái, có sự hiện diện của người Việt Nam, sắc đỏ của lá cờ Việt Nam; tấm lòng, nụ cười Việt và 2 tiếng Việt Nam luôn được trân trọng, tôn vinh. Tất cả những hoạt động ý nghĩa trên thực sự là một thiên anh hùng ca về lòng nhân ái, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam và nó sẽ còn tồn tại mãi mãi như một chân lý. Chân ái đó cũng là nét văn hoá truyền thống và sẽ là niềm tự hào, là động lực, niềm tin cho mỗi người dân Việt tự tin bước tiếp cùng dòng lịch sử của nhân loại. |
Thực hiện: Đình Dũng - Thanh Vân |