Tiêu thụ thuận lợi cả thị trường nội địa và xuất khẩu |
Năm 2023, sản lượng quả vải thiều của Bắc Giang không cao nhưng tổng giá trị doanh thu lại cao nhất từ trước đến nay. Số liệu thống kê cho thấy, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều của toàn tỉnh ước đạt trên 201.600 tấn. Giá trị doanh thu từ quả vải và các dịch vụ phụ trợ ước đạt trên 6.876 tỷ đồng, trong đó riêng từ quả vải trên 4.658 tỷ đồng, tăng hơn 247 tỷ đồng so với năm 2022. Đáng nói, quả vải thiều của Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu; trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu ước đạt gần 111.200 tấn, sản lượng tiêu thụ nội địa ước đạt gần 90.500 tấn. Ngoài các thị trường truyền thống, vải thiều Bắc Giang năm nay tiếp tục chinh phục thị trường cao cấp, khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, EU UAE, Qatar… một số nước khu vực Trung Đông và khu vực Đông Nam Á. |
Đáng ghi nhận tại thị trường Hoa Kỳ, năm nay gần 20 tấn vải thiều đã được vận chuyển đến bằng đường biển để “lên sạp” những hệ thống siêu thị lớn như Safeway và Albertsons ở các tiểu bang bờ Tây. Giá bán trung bình vào khoảng 3,99 USD/pint (tương đương khoảng 200.000 đồng). |
Đáng chú ý, hệ thống siêu thị Safeway là chuỗi siêu thị có mạng lưới lớn nhất bờ Tây của Hoa Kỳ. Safeway có 913 cửa hàng, Albertsons có hơn 300 cửa hàng. Việc tiếp tục đưa quả vải vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị này với giá khá cạnh tranh, chỉ 3,99 USD/pint, tương đương với 200 nghìn đồng/kg là một thành công lớn trong quá trình thúc đẩy tiêu thụ trái cây của Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng tại thị trường Hoa Kỳ. Bởi lẽ, phần lớn trái cây của nước ta xuất khẩu sang Hoa Kỳ mới chỉ tiếp cận được hệ thống chợ, siêu thị nhỏ phục vụ người tiêu dùng gốc Á. Điều này cho thấy, thị trường quốc tế đã có được sự chấp nhận đối với trái vải thiều Việt Nam, mở ra nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản này trong thời gian tới. Còn tại thị trường Thái Lan, dù đã hiện diện từ vài năm trước song việc vải thiều Bắc Giang tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Thái Lan năm 2023 đã mở ra một kênh xuất khẩu tiềm năng. Theo đại diện Sở Công Thương Bắc Giang: Dù vải thiều xuất hiện tại Thái Lan từ một vài năm trước, song 2023 là lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được một doanh nghiệp Việt Nam chính thức xuất khẩu và đưa vào một hệ thống siêu thị lớn của nước này là Big C Thái Lan. Sự kiện đánh dấu “nền móng” cho việc đẩy mạnh tiêu thụ trong các năm tiếp theo khi đã nắm rõ được yêu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Việc này xuất phát từ việc nghiên cứu, khảo sát kỹ càng thị trường xuất khẩu cũng như đàm phán, trao đổi thường xuyên giữa doanh nghiệp hai nước. |
Chất lượng vượt trội là đặc trưng riêng có |
Là một trong những vựa vải lớn của tỉnh Bắc Giang, năm nay toàn huyện Lục Ngạn đã tiêu thụ hết sản lượng vải thiều (hơn 128 nghìn tấn), mang lại tổng giá trị sản xuất đạt 3.324 tỷ đồng; trong đó tiêu thụ nội địa 890 tỷ đồng, xuất khẩu 2.434 tỷ đồng. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều và chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” năm 2023, vừa diễn ra, ông Nguyễn Việt Oanh - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn - nhấn mạnh: Mặc dù khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây song đây là năm thứ 3 liên tiếp vải thiều được mùa và cũng là năm sản xuất vải thiều đạt bước tiến vượt bậc về chất lượng sản phẩm. Qua các đợt đánh giá kiểm định, kiểm dịch rất khắt khe, tất cả các mẫu vải thiều Lục Ngạn đều đạt chỉ số an toàn cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường quốc tế. |
Để quả vải thơm, ngon, an toàn, cơ quan chức năng của huyện Lục Ngạn đã tích cực tổ chức tập huấn cho các hộ dân quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng cao; khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép, ưu tiên dùng thuốc có nguồn gốc sinh học. Đồng thời triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số, mã vạch gắn với thông tin tra cứu sản phẩm, vùng trồng). Qua đó kiểm soát chặt chẽ các khâu từ sản xuất, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. |
Không chỉ riêng huyện Lục Ngạn mà tỉnh Bắc Giang luôn nhất quán, xuyên suốt từ chính quyền đến người dân trồng vải thiều: Lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc là yếu tố cốt lõi làm chỗ đứng bền vững. Vì vậy, quả vải thiều của Bắc Giang được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Năm nay, để gia tăng giá trị cho trái vải, đồng thời giảm sức ép tiêu thụ khi vào mùa thu hoạch rộ, người trồng vải Bắc Giang không chỉ xuất bán trái vải tươi mà nhiều địa phương, hợp tác xã đẩy mạnh chế biến. Ngoài những sản phẩm phổ biến như vải thiều sấy khô, nước ép, giấm vải hay mật ong hoa vải… năm nay một số hợp tác xã đã chế biến đưa ra thị trường bánh mỳ và bánh ngọt hương vải. |
Hay tại Hợp tác xã Du lịch Đồng Dao, xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn) lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm rượu vang vải thiều mang thương hiệu “Lệ Chi”. Ngoài ra hợp tác xã còn liên kết với doanh nghiệp tại Hải Phòng chế biến thành công nến thơm vải thiều (dạng sáp). Còn tại Hợp tác xã Thương mại du lịch Trù Hựu, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) lại chế biến ra món trà vải. Hợp tác xã này đang dự kiến thời gian tới sẽ cho ra mắt sản phẩm sữa chua vải, chè vải hạt sen, bánh vải… nhằm phục vụ khách hàng. Cũng nhằm giữ vững thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm, tỉnh Bắc Giang tiếp tục mở rộng diện tích vải thiều bảo đảm tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, tăng số lượng các vườn vải thiều được cấp mã vùng xuất khẩu. |
Điểm nhấn “Đưa chợ về vườn” |
Thành công vụ vải thiều năm nay của Bắc Giang có được không thể không nhắc đến việc đang dạng hóa hình thức tiêu thụ. Theo đó, tỉnh đã tập trung cho việc tiêu thụ vải thiều bằng nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt, hiện đại, bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện nay. Tạo điểm nhấn và sức hút mới cho tiếp thị quả vải của Bắc Giang phải kể đến chiến dịch quảng bá du lịch gắn với tiêu thụ nông sản địa phương với chủ đề “Bắc Giang đa sắc” thu hút hơn 70 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok trên toàn quốc tham gia. Bằng việc tổ chức “Chợ phiên OCOP” trên Tiktokshop - Khám phá đặc sản, trong đó có vải thiều Bắc Giang, đã thu hút hơn 4,5 triệu lượt xem. Với 4 giờ livestream, hoạt động này đã bán được hơn 5.100 đơn hàng với sản lượng 23 tấn vải thiều, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng. |
Điểm đáng quan tâm là hình thức thu hoạch, thu mua vải thiều trực tiếp tại vườn và bán hàng trực tuyến của người dân tăng mạnh, có hàng trăm lượt thương nhân và hàng nghìn lượt xe ô tô đến tận các thôn, xóm, hộ gia đình để thu mua, vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ. Qua đó đã giúp tiêu thụ toàn bộ sản lượng cho người dân, đưa sản phẩm vải thiều của Bắc Giang đến khắp các tỉnh, thành phố trong nước; giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Ngoài ra, tại huyện Lục Ngạn còn tổ chức thành công show trình diễn thời trang gắn với quả vải thiều, cuộc thi hái vải thiều… đã “kéo” du khách đến với huyện miền núi ngày càng nhiều hơn. Ước tính, có khoảng 230 nghìn lượt khách đã đến tham quan, du lịch trải nghiệm vào mùa vải chín của Lục Ngạn, trong đó có khoảng 225 nghìn lượt khách trong nước và 5 nghìn lượt khách nước ngoài, tăng 130 nghìn lượt so với năm trước. Bà Nguyễn Thị Năm - Trưởng Phòng Văn hóa huyện Lục Ngạn - cho biết: “Khách đến vườn đều mua sản phẩm mang về, có đoàn mua đến hơn 1,3 tấn quả tươi. Bước đầu cho thấy, du lịch mùa vải đã có khởi sắc. Đây là tiền đề cho định hướng đưa chợ về vườn, tạo thuận lợi hơn cho bà con trồng vải tiêu thụ sản phẩm”. |
Đối với thị trường ngoài nước, để góp phần đưa quả vải Việt Nam, trong đó có vải thiều Bắc Giang tiếp cận mạnh mẽ hơn tới người tiêu dùng, ngay từ đầu vụ, tỉnh đã triển khai công tác xúc tiến tiêu thụ, quảng bá sản phẩm bằng việc tổ chức nhiều hội nghị, như: Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với gần 80 điểm cầu trong và ngoài nước; tổ chức kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Đông… với sự tham gia của Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Thương vụ nhiều nước trên thế giới. Riêng với thị trường Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đoàn xúc tiến thương mại cho quả vải thiều tại Bằng Tường, tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); đồng thời tích cực làm việc với nước bạn nhằm tháo gỡ khó khăn tại các cửa khẩu. Một mùa vải ngon đã khép lại, các chuyên gia kinh tế nhận định: Không phủ nhận các giải pháp linh hoạt đã giúp Bắc Giang khơi thông dòng chảy của quả vải thiều. Tuy nhiên, dù giải pháp nào, cách thức nào thì yếu tố cốt lõi nhất, xuyên suốt, nhất quán nhất vẫn là việc lấy chất lượng vượt trội làm đặc trưng riêng có cần phát huy, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng. |
|
Thanh Tâm Đồ họa: Vũ Hạnh |