Hà Nội: Quản lý thị trường kết nối siêu thị MM Mega Market Thăng Long tiêu thụ vải thiều Bắc Giang Quản lý thị trường Hòa Bình trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang |
Vụ vải thiều Bắc Giang 2021 với sản lượng lên đến trên 180.000 tấn vào đúng thời điểm Bắc Giang trở thành tâm dịch đã khiến người dân lo ngại một năm “vải rụng đỏ vườn”. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân dưới nhiều hình thức, mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Cụ thể, Tổng cục QLTT đề ra mục tiêu kết nối, hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải.
Trên 5.000 tấn vải thiều được lực lượng QLTT kết nối thành công |
Để triển khai kế hoạch này, Tổng cục QLTT đã phối hợp và nhận được sự đồng thuận hưởng ứng từ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) trong việc kết nối đưa vải thiều Bắc Giang đến 63 tỉnh, thành phố, bắt đầu từ ngày 5/6 cho tới khi kết thúc vụ vải.
Cục QLTT tỉnh Bắc Giang được Tổng cục QLTT giao là đầu mối đảm nhận rà soát sản lượng, chất lượng, giá bán vải thiều theo từng ngày tại các hợp tác xã, sau đó giới thiệu, kết nối với Cục QLTT các tỉnh, thành phố trên cả nước. VNPost đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển vải thiều đến các đơn vị; bố trí kho lạnh di động bảo quản, trang bị phù hiệu nhận diện phương tiện vận chuyển.
“Phát súng” mở màn cho chiến dịch kết nối, tiêu thụ đó là chuyến hàng 2,5 tấn vải thiều do Đội QLTT số 3, Cục QLTT Hòa Bình thực hiện. Đây là chuyến hàng được Đội phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vận chuyển về địa phương sau khi hoàn thành chuyến hàng rau củ quả tiếp tế cho vùng dịch Bắc Giang.
Theo ông Nguyễn Mạnh Trường - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 3, Cục QLTT Hòa Bình, phải mất 8 tiếng đồng hồ một chuyến xe mới có thể quay đầu về địa phương. Bởi, công tác khử khuẩn, phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. "Mỗi chuyến xe đi vào vùng dịch, chúng tôi phải thực hiện đầy đủ các bước khai báo y tế, khử khuẩn ở cả hai đầu theo đúng quy định để đảm bảo an toàn nhất cho cả người, phương tiện và hàng hóa khi vào và ra khỏi vùng dịch"- ông Nguyễn Mạnh Trường chia sẻ.
Mô hình trên nhanh chóng được lãnh đạo Cục QLTT Hòa Bình nhân rộng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Kết thúc chương trình, Cục QLTT hoàn thành vượt mức chỉ tiêu với trên 74 tấn vải được tiêu thụ.
Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của Cục QLTT Lạng Sơn khi kết nối thương nhân và xuất khẩu hàng trăm tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp. Bằng chiến lược bài bản, với chất lượng sản phẩm tốt, Cục QLTT Lạng Sơn đã nhanh chóng kết nối thương nhân của 2 nước và thành công với 2 hợp đồng xuất khẩu với tổng sản lượng trên 570 tấn.
Không chỉ kết nối, tiêu thụ vụ mùa vải thiều Bắc Giang theo chương trình chung của Tổng cục, trên địa bàn Lạng Sơn, đơn vị còn tiêu thụ trên 10 tấn vải giúp bà con Hữu Lũng bằng hình thức tổ chức 12 điểm bán hàng trong toàn tỉnh.
Trong khi đó, tại Lào Cai, các phòng, đội QLTT và chi đoàn thanh niên Cục QLTT Lào Cai đã thực hiện quảng bá trên các kênh online và trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai để giới thiệu, vận động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, với phương châm “Mỗi cán bộ là một đầu mối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm”. Đồng thời, Cục QLTT Lào Cai phối hợp với Vietnam Post Lào Cai tổ chức các điểm tiêu thụ lưu động trên địa bàn tỉnh để trực tiếp quảng bá, đem sản phẩm vải thiều Bắc Giang đến tay người tiêu dùng Lào Cai.
Cùng với đó, các Cục QLTT trên cả nước như: Cục QLTT Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Gia Lai, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương... đã tích cực vào cuộc triển khai nhiều chương trình tiêu thụ vải thiều cho bà con Bắc Giang. Sự chủ động kết nối tiêu thụ của lực lượng QLTT đã góp phần đưa quả vải thiều đến mọi miền của tổ quốc.
Bà Nguyễn Minh Phương – Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT – cho biết: Sau hơn 1 tháng triển khai, ngày 31/7/2021, Chương trình kết nối, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã chính thức kết thúc. Theo đó, trên 5.000 tấn vải đã được lực lượng QLTT trên cả nước kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thành công. Đây là kết quả vượt ngoài mong đợi của chúng tôi. Bởi đây là chương trình lần đầu tiên toàn lực lượng tham gia với vai trò kết nối, hỗ trợ tiêu thụ, đặc biệt trong điều kiện mọi thứ đều rất khó khăn.
“Thông qua những hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi thể hiện tấm lòng tương thân tương ái của mình đối với đồng bào cả nước, trách nhiệm của mỗi cá nhân công chức QLTT đối với cộng đồng và xã hội. Hy vọng rằng, nỗ lực của lực lượng QLTT sẽ góp phần giảm bớt áp lực và gánh nặng cho việc tiêu thụ nông sản của bà con nhân dân các địa phương đang phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh” – bà Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh.