CôngThương - Bản ghi nhớ được xem là cơ sở pháp lý cho hoạt động mua bán gạo ổn định với số lượng lớn và góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược về cung cấp lương thực giữa Việt Nam và Siera Leone.
Thỏa thuận này tạo ra kênh xuất khẩu ổn định và giúp mở rộng thị trường gạo của Việt Nam tại Siera Leone nói riêng và châu Phi nói chung. Châu Phi hiện chiếm 25% lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Bên cạnh mở rộng thị trường cho gạo Việt Nam, thỏa thuận đã nâng vị thế quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực lương thực. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biẻu: “Thỏa thuận này thể hiện sự tích cực của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực thế giới”.
Siera Leone nằm ở Tây Phi có dân số 5 triệu người, hiện rất quan tâm đến nhập khẩu gạo của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu trong nước. Năm 2010, Siera Leone nhập khẩu 14.000 tấn gạo, trị giá 8,04 triệu USD.
Bộ trưởng Richard Konteh cho biết: “Thỏa thuận thương mại gạo ký với Việt Nam mở ra cánh cửa cho hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước. Sắp tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Siera Leone sẽ sang thăm Việt Nam để thảo luận các khả năng hợp tác cụ thể. Siera Leone rất quan tâm tới kinh nghiệm sản xuất lúa gạo của Việt Nam và mong Việt Nam gửi nông dân sang để chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa cho nông dân Siera Leone".
Mặc dù là quốc gia nhỏ nhưng Siera Leone có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Hai nước cũng thể hiện rõ mong muốn hợp tác song phương.
Bộ trưởng Richard Konteh thông báo, trước khi sang Việt Nam, Tổng thống Siera Leone đã chuyển lời rằng: “Siera Leone rất sẵn sàng hợp tác với Việt Nam”. Trong lĩnh vực công thương, hai nước cũng có nhiều mặt hàng để trao đổi. các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Siera Leone là lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm và một số các máy móc thiết bị khác…