Toàn cảnh buổi làm việc |
Nhiều hoạt động hưởng ứng CVĐ
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội, Phó trưởng BCĐ CVĐ TP. Hà Nội nhấn mạnh, CVĐ là một chủ trương mang ý nghĩa to lớn, quan trọng nhiều mặt đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội của cả nước và Thủ đô Hà Nội trước yêu cầu đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững sau hơn 20 năm đổi mới.
Công tác triển khai CVĐ đã được triển khai sâu rộng và hệ thống bằng hàng loạt các giải pháp, từ việc ban hành các văn bản pháp quy đến tuyên truyền vận động, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất. Cụ thể, Thành phố đã chỉ đạo thực hiện CVĐ gắn với các kế hoạch tổng thể xuyên suốt của Thành phố như Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 02/02/2015 về việc thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020; Chỉ đạo các đơn vị thành viên và BCĐ CVĐ các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Thành phố theo Kế hoạch số 13/KH-BCĐCVĐTP ngày 19/02/2016 của BCĐ CVĐ TP. Hà Nội năm 2016…
Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện CVĐ, BCĐ CVĐ thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên, BCĐ quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền CVĐ đến cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như qua các phương tiện thông tin đại chúng; tờ rơi, áp phích, pa no; qua các cuộc họp tổ dân phố, khu dân cư, tọa đàm, hội thảo, hội nghị, các buổi tập huấn.
Không chỉ tuyên truyền về ý nghĩa CVĐ, hoạt động truyền thông những năm qua đã đi vào chiều sâu với những hoạt động vận động, tuyên truyền để doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất ra các loại hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu, phát triển mạng lưới phân phối, hướng về thị trường nội địa. Đặc biệt lưu ý đến các vùng xa, nông thôn, miền núi. Thông tin, quảng cáo để người tiêu dùng nhận biết về khả năng sản xuất, chất lượng của các loại sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là về các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thay thế hàng nhập khẩu, tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề Hà Nội thông qua du lịch…
Đoàn làm việc thăm xưởng sản xuất của Công ty CP Khóa Việt Tiệp |
Nhằm tạo môi trường thuận lợi giúp DN Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, BCĐ đã tiếp tục tham mưu cho các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai việc tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, tạo môi trường thuận lợi giúp DN Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời tổ chức triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ hàng Việt, hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ; Triển khai quy chế hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu; Chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của làng nghề. Công tác kiểm soát thị trường, phòng chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai mạnh mẽ.
Hoàn thành mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai mạnh Chương trình bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố và hệ thống phân phối tại nước ngoài. Trong năm 2016, thành phố tổ chức 9 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết tại 9 huyện, khu công nghiệp; tổ chức 3 tuần hàng Việt và 180 chuyến bán hàng lưu động; triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong dịp đầu năm.
“Nhờ các hoạt động như vậy, người tiêu dùng Thủ đô đã ý thức hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng nội địa khi mua sắm. Tỷ lệ sử dụng hàng trong nước tại các công sở, cơ quan tăng rõ rệt, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Các DN trên địa bàn cũng đã tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiện tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng về mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” – bà Lê Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Về phía DN, ông Lương Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp cho biết, hưởng ứng CVĐ, thời gian qua, công ty đã tích cực sử dụng các nguyên liệu trong nước để sản xuất sản phẩm. Đến nay, 90% nguyên liệu sản xuất sản phẩm của công ty được sử dụng từ các DN trong nước hoặc DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, với các giải pháp đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán, sản lượng và doanh thu của công ty đang không ngừng tăng lên. Năm 2016, công ty dự kiến sản xuất 16,5 triệu sản phẩm. Hiện 90% sản phẩm của công ty phục vụ thị trường trong nước.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả CVĐ
Bà Lê Thị Kim Oanh chia sẻ, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, BCĐ CVĐ TP. Hà Nội định hướng sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CVĐ. Mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung của CVĐ gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố. Tập trung tuyên truyền, hướng tới mục tiêu 100% người dân biết về CVĐ, 60% trở lên sử dụng và tiêu dùng hàng Việt; Tuyên truyền vận động để các DN, các làng nghề nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa tại thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới...
Các sản phẩm khóa Việt Tiệp đa dạng về mẫu mã, chủng loại, được người tiêu dùng ưa chuộng |
Đánh giá cao công tác triển khai CVĐ trên địa bàn Hà Nội, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho hay, Hà Nội đã triển khai tương đối tốt các công tác như tuyên truyền, hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa. Thứ trưởng cũng đánh giá cao việc Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân biết về CVĐ. Thứ trưởng lưu ý, với dân số 7,5 triệu dân và hàng triệu khách du lịch, người lao động địa phương đổ về Hà Nội, lượng hàng hóa được tiêu thụ lớn. Hà Nội nên nhắm vào các đối tượng này để tuyên truyền về CVĐ.
Về phía DN, Thứ trưởng mong rằng bên cạnh việc sản xuất hàng hóa, các DN sẽ khuyến khích người lao động ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trong tiêu dùng hàng ngày. Đồng thời tích cực hơn nữa trong việc sử dụng nguyên liệu được sản xuất trong nước.
Quan tâm đến vấn đề giá cả, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương so sánh, Hà Nội đang là một trong những địa phương có giá cả đắt đỏ nhất nước. Tuy nhiên, trong khi một địa phương lớn khác là TP. Hồ Chí Minh có đến hơn 10.000 điểm bán hàng bình ổn thì Hà Nội mới có hơn 1.500 điểm. Thời gian tới, bên cạnh vận động, Hà Nội cần triển khai nhiều chương trình bình ổn giá cả để giúp người tiêu dùng mua nhiều hàng hóa hơn.