Chính sách phù hợp, thông thoáng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ nội địa sản phẩm dệt may |
Sức cạnh tranh còn thấp
Tại Diễn đàn Hội nhập và sức mạnh hàng Việt, Lễ tôn vinh sản phẩm vàng - dịch vụ vàng vì cuộc sống Việt được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sức lan tỏa của CVĐ đã giúp hàng Việt Nam được người tiêu dùng biết đến, được bày bán nhiều hơn tại các kênh phân phối. Hàng Việt cũng được xuất khẩu (XK) ngày càng nhiều với kim ngạch cao. Tuy nhiên, đến nay, hàng Việt còn tồn tại không ít hạn chế khiến sức cạnh tranh thấp hơn hàng hóa của một số quốc gia lân cận.
TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương - nhận định, dù đứng đầu thế giới về một số mặt hàng XK nhưng hàng hóa XK của Việt Nam chủ yếu vẫn là tài nguyên thô và hàng có giá trị gia tăng thấp. Dù mang mác là hàng do Việt Nam sản xuất nhưng thực tế, DN XK chủ yếu mới chỉ tham gia vào khâu cuối cùng của sản phẩm là lắp ráp. Đặc biệt, ta vẫn chưa có một thương hiệu nào đủ mạnh trên thị trường quốc tế.
Ông Thiên thẳng thắn chỉ rõ: “Các DN vẫn đi bán hàng thô, bán hàng thuê, nhập khẩu 90% giá trị và chỉ gia công, lắp ráp. Với mặt hàng gạo, dù là nước XK gạo hàng đầu thế giới nhưng vẫn không có một thương hiệu quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nếu không có những giải pháp chuyển dịch mạnh mẽ thì hàng Việt sẽ mãi sẽ chỉ ở phân khúc sản phẩm chất lượng thấp”.
Hàng Việt còn đang đối diện với những khó khăn nhất định trong việc chiếm lĩnh kênh phân phối. Ở các kênh truyền thống - kênh phân phối thu hút đông người tiêu dùng, hàng Việt lại gặp khó khăn lớn do phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập lậu, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giá rẻ... Ngoài ra, DN còn chưa thực sự chủ động trong việc khẳng định vị thế và chiếm chỗ đứng ở thị trường trong nước.
Tăng liên kết, nâng giá trị hàng hóa
Theo các chuyên gia kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa là giải pháp sống còn cho các DN nếu muốn tồn tại khi các FTA có hiệu lực khiến hàng nước ngoài tràn vào Việt Nam. Để làm được điều này, các DN Việt Nam cần chú ý kiên trì định hướng công nghệ cao, đặc biệt chú ý đến đặc sắc Việt Nam trong từng sản phẩm. DN cũng cần đầu tư tạo ra mẫu mã đẹp, nâng cao giá trị cho hàng hóa. Với đặc điểm hầu hết là DN nhỏ và vừa, trong xu thế hội nhập hiện nay, các DN Việt cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng đầu thế giới nhưng không có một thương hiệu quốc tế |
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh - nhấn mạnh: “Sự liên kết của các DN Việt trên thị trường còn rất kém, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt không cao như kỳ vọng. Do đó, các DN cần phải thấy được nhu cầu của người tiêu dùng là gì, sản phẩm nào Việt Nam có thể cung cấp được, từ đó liên kết cùng đầu tư, cùng sản xuất mới có thể nâng cao sức cạnh tranh”.
Song song với những nỗ lực của DN, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có những quy định rõ ràng về tỷ lệ bán hàng Việt đối với từng mặt hàng mà DN trong nước đã sản xuất tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tránh tình trạng hàng Việt ngày càng “lép vế” khi các kênh phân phối này lần lượt rơi vào các “đại gia” bán lẻ nước ngoài. |