Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019 là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam chất lượng cao, có uy tín trên thị trường, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của các địa phương, sản phẩm cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình và các địa phương trên cả nước.
Họp báo Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019 |
Dự kiến sẽ có 100 gian hàng nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc. Khu Lễ hội Cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình với 150 gian hàng được bố trí khu trưng bày và bán sản phẩm cây ăn quả có múi, khu văn hóa ẩm thực, khu giới thiệu tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp; gian hàng thương mại tổng hợp.
Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam - khẳng định, Hội chợ là cơ hội để các địa phương khu vực phía Bắc thông tin, giới thiệu các dự án đầu tư và chính sách kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư phát triển sản phẩm OCOP, tạo cơ hội cho các tỉnh, thành quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của mình trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất thương mại khu vực phía Bắc mua bán, trao đổi, giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông lâm thủy sản cả nước. “Hội chợ còn là cầu nối hiệu quả, quảng bá các sản phẩm hàng hóa có uy tín, chất lượng tới đông đảo người tiêu dùng, “đánh thức” những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên cả nước”, ông Đào Văn Hồ nhấn mạnh.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, HTX trong cả nước trưng bày, giới thiệu, quảng bá các thành tựu khoa học công nghệ, ứng dụng trong sản xuất giống, chế biến, bảo quản, đóng gói, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm và các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân được học tập kinh nghiệm, công nghệ và thiết bị mới trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản từ những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.
Liên quan đến Lễ hội cây ăn quả có múi, chia sẻ tại buổi họp báo, ông Vương Đắc Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình – cho biết, sản phẩm đưa vào lễ hội được kiểm tra rất chặt chẽ, có hồ sơ pháp lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm vùng trồng, đảm bảo an toan thực phẩm. Về mức giá bán, mặc dù Sở cũng có chỉ đạo đảm bảo mức giá chung, nhưng do trong các vườn người trồng cam không mất phí đi lại và một số dịch vụ khác nên giá tại các nhà vườn bao giờ cũng rẻ hơn khi bán tại Hội chợ.
Về đặc sản cam Cao Phong, ông Vương Đắc Hùng cho biết thêm, hiện tỉnh đã quy hoạch vùng trồng và lựa chọn giống phù hợp, rải vụ. Trước kia cam thu hoạc tập trung vào khoảng 6 tháng nhưng nay đã được kéo dài 9 tháng. Trong đó, nhóm chín sớm chiếm từ 30 – 35% diện tích; nhóm chính vụ chiếm từ 35 - 40% diện tích và chín muộn 30-35% diện tích. “Việc cân đối thời gian thu hoạch từ tháng 8 năm nay cho đến tháng 6 sang năm, như vậy, nếu làm tốt công tác bảo quản thì việc tiêu thụ với diện tích sản xuất như trên là không có vấn đề gì”, ông Hùng chia sẻ.
Trong khuôn khổ Lễ hội và Hội chợ sẽ diễn ra Hội nghị Kết nối sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Bắc; chương trình Nhịp cầu nhà nông; tổ chức đoàn nông dân của các huyện, tỉnh Hòa Bình tới thăm quan, học tập tại Lễ hội và Hội chợ….
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân như: doanh nghiệp, hộ nông dân và kinh tế tập thể thực hiện.