Toàn cảnh hội nghị |
Hiệu quả sâu rộng
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua 7 năm thực hiện, CVĐ đã có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng hóa trong nước sản xuất được có chất lượng cao, giá cả hợp lý, từ đó ưu tiên chọn mua và sử dụng. Đây cũng là yếu tố quan trọng, tạo động lực cho sản xuất phát triển. Kết quả này có được nhờ hàng hoạt những giải pháp mạnh mẽ, tích cực.
Ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương CVĐ- cho hay, trong năm 2015, CVĐ đã tập trung vào nhiều nhóm giải pháp như xây dựng, ban hành Kế hoạch số 99/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ về việc triển khai các hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ năm 2015 và định hướng năm 2016. Các hoạt động thông tin, truyền thông, quảng bá hàng Việt được triển khai mạnh mẽ. Công tác kiểm tra thực hiện CVĐ được thực hiện rộng khắp ở các địa phương nhằm hướng dẫn cách triển khai CVĐ một cách hiệu quả…
Riêng với Bộ Công Thương, trong năm 2015, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020 (Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015). Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ mở rộng hệ thống phân phối, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng; Tổ chức thực hiện Tuần nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2015 trên phạm vi toàn quốc…
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương CVĐ Hồ Thị Kim Thoa chia sẻ thêm, Bộ đã kết hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về CVĐ. Với những chủ đề được triển khai rõ ràng, tuyên truyền là một trong những hoạt động được đánh giá là mang lại hiệu quả cao nhất cho CVĐ, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cũng chú trọng triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài. Nhiều hệ thống phân phối trong nước đã cam kết 70% lượng hàng trong kênh phân phối là hàng Việt Nam. Nhiều kênh phân phối tại nước ngoài cũng đồng ý đưa hàng nghìn mặt hàng Việt Nam có chất lượng vào hệ thống phân phối toàn cầu. Kể từ khi Tuần hàng Việt Nam lần đầu được tổ chức tại kênh phân phối Casino (Pháp – năm 2011) đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt thông qua các kênh phân phối nước ngoài đã lên đến 700 triệu USD.
Đặc biệt, để giúp người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa được sử dụng hàng Việt có chất lượng và giá cả phải chăng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định với 31 Điểm bán hàng được xây dựng trên cả nước. Mạng lưới hàng Việt cũng được hình thành với hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký. Danh mục các mặt hàng trong nước sản xuất được đã được công bố và tích cực tuyên truyền nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có nhu cầu dễ dàng mua được nguyên, nhiên liệu trong nước sản xuất được.
Ngoài hoạt động của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, đơn vị khác cũng đẩy mạnh triển khai nhiều nhóm hoạt động nhằm đẩy mạnh thực hiện CVĐ. Theo đó, đánh giá kết quả chung của CVĐ trong năm 2015 vừa qua, ông Vũ Trọng Kim nhận định: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo CVĐ các tỉnh đã được triển khai tích cực, đồng bộ theo các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trong Thông báo Kết luận 264-TB/TW của Bộ Chính trị. Các doanh nghiệp cũng có nhận thức đúng đắn và tích cực hưởng ứng thực hiện CVĐ, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa dịch vụ có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, ngày càng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Công tác sơ kết, tổng kết định kỳ được chú trọng, góp phần đề ra các giải pháp thực hiện CVĐ ngày càng hiệu quả”.
Ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam tốt
Trải qua 7 năm triển khai, CVĐ đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong giai đoạn tới, CVĐ đang hướng tới mục tiêu thay vì ưu tiên, người tiêu dùng sẽ tự hào khi sử dụng hàng Việt Nam. Làm được điều này, hàng Việt Nam phải là hàng “tốt” – tức là có chất lượng đảm bảo và giá cả phải chăng.
Theo đó, Ban chỉ đạo CVĐ đề ra các giải pháp tiếp tục tuyên truyền về CVĐ; Kiện toàn, bổ sung các thành viên Ban chỉ đạo các cấp; Tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai và giám sát thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ”; Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của WTO và luật pháp quốc tế…
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, điểm hạn chế của CVĐ thời gian qua là nhiều Bộ ngành và địa phương chưa có Ban chỉ đạo CVĐ, khiến các hoạt động chưa được triển khai bài bản. Công tác tuyên truyền đôi khi chưa kịp thời, chưa phát huy tối đa tác dụng... Đây là hạn chế cần khắc phục ngay trong thời gian tới.
“Dù CVĐ không có chỉ tiêu cụ thể nhưng nên có điều tra xã hội học thường xuyên hơn để đánh giá mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với CVĐ, từ đó đo lường được sự chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng nhằm đánh giá hiệu quả CVĐ một cách rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, thời gian tới, cần tiếp tục tạo động lực thi đua để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; Phát triển hệ thống tiêu thụ. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong CVĐ để từ đó nhân rộng hiệu quả CVĐ…” – ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.