Thái Bình có cách làm sáng tạo trong kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao |
Nhiều dự án lớn
Theo ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, thực tế cho thấy, chính sách thu hút vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thái Bình đã và đang phát huy hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh đã có 91 dự án với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình tổ chức vừa qua, Thái Bình đã trao quyết định cho 33 dự án, có tổng số vốn đăng ký lên đến 25.658 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư rất lớn như: Dự án trồng lúa chất lượng cao, khu nuôi trồng thủy sản, hải sản kết hợp dịch vụ sinh thái tại huyện Tiền Hải do Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội đầu tư với số vốn 1.200 tỷ đồng; dự án công nghiệp hóa nông nghiệp và vận hành chuỗi khép kín sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, phân phối các sản phẩm nông nghiệp của liên doanh Tập đoàn THACO - Tập đoàn Lộc Trời đầu tư với vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Thái Bình cam kết luôn lắng nghe và khắc phục mọi khó khăn, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đồng thời cử cán bộ có năng lực làm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư. |
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO - cho biết: Sau hơn 6 tháng khảo sát và nghiên cứu, đến nay, dự án đầu tư tại Thái Bình đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn I trong quý IV/2018. Đây là dự án quy mô, khác biệt và có tính tiên phong nên chắc chắn bước đầu sẽ gặp những khó khăn trở ngại. Vì vậy, ông Trần Bá Dương bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành tích cực của lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng như sự hỗ trợ tháo gỡ kịp thời của các bộ, ngành.
Bí quyết từ cách làm sáng tạo
Nói về việc Thái Bình thu hút hàng loạt các dự án “khủng” vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH - cho rằng: Thái Bình có cách làm rất sáng tạo trong việc tích tụ ruộng đất cũng như kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp các doanh nghiệp (DN) yên tâm và hưởng lợi.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Diên thông tin: Thái Bình có hướng đi riêng trong tích tụ đất đai để không vi phạm luật pháp hiện hành nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư và mong mỏi của người dân. Cụ thể là, vận động người dân tự nguyện ủy quyền quản lý sử dụng đất nông nghiệp cho chính quyền xã. Trên cơ sở đó, xã sẽ đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất với thời hạn từ 20 - 30 năm trở lên. Bằng cơ chế này, người dân Thái Bình đã chấp thuận cho thuê khoảng 10.000ha đất canh tác lúa và lúa xen màu, chỉ chờ DN đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực và cách làm sáng tạo của tỉnh trong việc tích tụ ruộng đất. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị tỉnh phấn đấu phát triển mạnh mẽ, đổi mới dựa trên nền nông nghiệp thông minh, hữu cơ, chất lượng cao, hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp dựa trên cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Tập trung đầu tư theo chuỗi giá trị chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Phấn đấu đến năm 2020 đạt doanh thu 400 - 500 triệu đồng/ha.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu: Thái Bình tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, dài hạn; cần có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ để thu hút các DN, đối tác chiến lược mạnh về tài chính, có thị trường ổn định, có công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm của tỉnh.