Thái Nguyên: Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới - động lực để phát triển kinh tế
Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 85,7%; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang rà soát, lựa chọn và xây dựng dự án, kế hoạch xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu của các Chương trình chuyên đề và lợi thế của địa phương, lựa chọn địa phương, đơn vị để xây dựng mô hình điểm về xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.
Nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 97% số xã trên địa bàn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên đang huy động mọi nguồn lực để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. |
Trong thời gian qua, việc ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, để thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Sở đã xây dựng một cơ sở dữ liệu chung để tích hợp các nội dung tiện ích làm tốt công tác quản lý; ứng dụng công nghệ số để giải quyết những thủ tục hành chính.
Trên cơ sở đó đã xây dựng phần mềm quản lý chất lượng nông sản với những giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm của gần 400 doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia.
Theo đó, đã số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối với chương trình OCOP cấp độ quốc gia.
Với trọng tâm là hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử trên các nền tảng số gắn với việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp; công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm được coi trọng, nhằm kết nối và đưa sản phẩm ra thị trường. Hàng trăm nghìn hộ sản xuất nông nghiệp đã được tập huấn, hỗ trợ đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử C- Thái Nguyên, Viettel, VietnamPost, Voso, Sendo, Lazada, Amazon... với hàng chục nghìn gian hàng được mở với trên 2 nghìn sản phẩm nông nghiệp…
Nhờ việc áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, giao dịch qua các sàn thương mại điện tử, nhiều đặc sản, nông sản của địa phương đã đến được gần hơn với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực được người dân đầu tư hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tăng nhanh về quy mô, chất lượng cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.
Việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng như thực hiện chủ trương đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và vào xây dựng nông thôn mới nói riêng đã được Chính phủ thông qua và thể hiện tại nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp thời gian qua.
Ông Trần Nho Hưởng - Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, Văn phòng đã tham mưu cho Sở triển khai các chương trình phù hợp với chủ trương, định hướng cũng như góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh; đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Tiêu biểu như việc triển khai phần mềm quản lý, đánh giá, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân và cơ sở dữ liệu các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên nhiều nền tảng số hóa hồ sơ điện tử thay thế dần việc lưu trữ hồ sơ giấy, tổng hợp báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới của các xã, so sánh kết quả thực hiện các tiêu chí theo từng năm đã được triển khai thực hiện.
Có thể thấy, chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới thông minh đã góp phần thay đổi diện mạo, đời sống bà con nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế do một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của chuyển đổi số nên việc triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ; chi phí đầu tư ban đầu cao; việc ứng dụng chuyển đổi số để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế…
Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, cần phải tiếp tục có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của các doanh nghiệp và người dân, đồng thời xây dựng những định hướng phát triển cụ thể cho từng địa phương. Có như vậy mới góp phần tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, giúp nông sản của Thái Nguyên khẳng định chỗ đứng trên thị trường, phát triển một cách bền vững.