CôngThương -Thị trường đầy hấp dẫn…
Với 1 tỷ người tại châu Phi và 260 triệu người tại Trung Đông, tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động dồi dào, nhu cầu tiêu dùng cao…, khu vực này đang được đánh giá là các thị trường phát triển tốt và tiềm năng đối với Việt Nam. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đã có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống lâu dài và ký kết nhiều văn kiện hợp tác trao đổi thương mại, đầu tư với nhiều quốc gia trong hai khu vực, tạo tiền đề cho việc hợp tác kinh tế giữa các bên.
Thêm vào đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu các bên đều mang tính bổ sung cho nhau. Hàng hóa Việt Nam bước đầu đã tạo dựng được chỗ đứng và uy tín đối với người tiêu dùng châu Phi, Trung Đông.
Nhờ vậy, trao đổi thương mại Việt Nam- châu Phi đã tăng mạnh từ 2,07 tỷ USD năm 2009 lên 4,77 tỷ USD năm 2011, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD. Các mặt hàng VN xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là gạo, dệt may, da giầy, sản phẩm điện, điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy, linh kiện phụ tùng, hóa chất…
Da giầy Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vào châu Phi, Trung Đông
Ngoài lĩnh vực thương mại, hợp tác công nghiệp và đầu tư giữa hai bên cũng bắt đầu mở rộng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí tại Algeria, Tuynidi, Ai Cập, Sudan, Madagasca… hay đầu tư vào lĩnh vực lắp ráp, sản xuất xe máy tại Tanzania, cung cấp dịch vụ viễn thông tại Mozambique. Tính đến hết tháng 8/2012, Việt Nam đã có được 17 dự án đầu tư sang châu Phi với tổng giá trị gần 1,2 tỷ USD.
Tại Trung Đông, kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước trong khu vực này tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, từ 3,31 tỷ USD (2010) lên 5,17 tỷ USD (2011). 8 tháng đầu năm 2012, giá trị này ước đạt 3,95 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm sợi các loại, thủy sản, máy và linh kiện điện tử, điện thoại, dệt may, nông sản, sắt thép, gạo…Ngược lại, thị trường này lại là nguồn nhập khẩu chất dẻo, dầu DO, khí đốt hóa lỏng, kim loại thường, phân đạm, thức ăn gia súc, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, linh kiện phụ tùng ô tô, đá quý…cho Việt Nam. Trong hợp tác công nghiệp, năng lượng, Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nước như Cô-oet, UEA, Ả rập Xê-út, Isarel.
… Nhưng cũng lắm rủi ro
Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN: Do khoảng cách địa lý xa xôi, các giao dịch thương mại giữa các bên mất khá nhiều thời gian và chi phí tốn kém. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam, châu Phi, Trung Đông có rất ít thông tin và kiến thức thị trường về nhau. Hệ thống ngân hàng giữa các bên chưa có sự hợp tác, gây nhiều khó khăn trong quá trình thanh toán. Ngoài ra, thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, cộng thêm rào cản về ngôn ngữ đã ảnh hưởng đến trao đổi thương mại của các doanh nghiệp.
Tại lễ ra mắt Diễn đàn Việt Nam- châu Phi- Trung Đông vừa được tổ chức mới đây, ông Lê Đăng Dũng- Phó tổng giám đốc Viettel- cho rằng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp VN đang hoạt động tại hai khu vực trên, nhưng đây là những hoạt động rời rạc, nhỏ lẻ, chưa có sự gắn kết, hỗ trợ nhau. Do thiếu thông tin, nhiều doanh nghiệp phải tự tìm hiểu thị trường nên khả năng gặp rủi ro tương đối cao. Ngoài ra, DN Việt Nam còn có thể gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự khi hoạt động tại đây. Vị Phó tổng Viettel cho biết, đang có một số lượng lớn doanh nghiệp quan tâm tới châu Phi, Trung Đông nhưng lại chưa dám hợp tác thương mại hoặc đầu tư.
Trong đó, ông nhấn mạnh đến sự e ngại, thiếu tự tin vào khả năng thành công của mình vì rủi ro, thách thức, không dám mạnh dạn hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Việt. Trên nhiều lĩnh vực còn thiếu các DN lớn đi tiên phong khai phá thị trường nên DN nhỏ lại càng e ngại. Với kinh nghiệm dày dặn về hai vùng thị trường này, ông Dũng chỉ ra một vài nguyên nhân của tình trạng trên.
Mặt khác, mặc dù Chính phủ các bên đều có chủ trương khuyến khích hợp tác nhưng lại chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể. Theo quan điểm của ông Lê Đăng Dũng, các doanh nghiệp tìm được cơ hội và đối tác hợp tác là cực kỳ quan trọng, song nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ nước sở tại thì hoạt động của các DN rẩt khó thành công.
Cũng nhiều kinh nghiệm khi đầu tư kinh doanh tại hai khu vực trên, bài học về lựa chọn đối tác của ông Hà Đăng Tài- Tổng giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tài Anh- cũng là điều đáng phải chú ý đối với các DN Việt. Ông Tài đã từng ký hai hợp đồng nhưng đều bị phá vỡ chỉ trong 20 ngày do đối tác không đủ độ tin cậy. “Tìm được đối tác, nhưng phải xem đối tác có muốn làm thật không? Rồi nếu đối tác là người châu Phi thì càng phải tìm hiểu kỹ. Nếu làm hợp đồng thì lại lo đối tác có thanh toán được không?”- ông Tài chia sẻ. Theo kinh nghiệm của ông, DN Việt Nam nên hợp tác với các công ty châu Âu tại châu Phi để đảm bảo an toàn.
Không chỉ vậy, thị trường châu Phi không có nhiều DN lớn, nên muốn xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa, ví dụ như gạo, lại phải thông qua các công ty nhà nước. “An toàn nhất là mở kho tại thị trường này và bán trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ, người mua đưa tiền thì xuất hàng”, ông Tài gợi ý.
Ngoài ra, một số yếu tố an ninh cũng tác động tới tâm lý của nhiều nhà xuất nhập khẩu, đầu tư của Việt Nam trong việc quyết định tham gia vào hai khu vực này.
Chung sức phá rào cản
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi, Trung Đông, chính phủ các bên có vai trò tối quan trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Việt Nam và các nước châu Phi, Trung Đông cần nhanh chóng nghiên cứu, ký kết các hiệp định về đầu tư, thuế, tài chính ngân hàng, vận tải đường biển và hàng không, kiểm dịch và công nhận chất lượng sản phẩm lẫn nhau, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các DN. Bên cạnh đó, các nước cũng nên đẩy mạnh khuyến khích DN đi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế hoặc chuyên ngành, các diễn đàn, hội thảo giao thương được tổ chức tại mỗi nước.
Ngày 7/9/2012 vừa qua, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Châu Phi- Trung Đông đã chính thức ra mắt, làm cầu nối doanh nghiệp- doanh nghiệp, doanh nghiệp-Chính phủ. Sự ra đời của Diễn đàn là một trong những giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn cho DN muốn xâm nhập hai thị trường trên. Đồng thời đây cũng là một bước hiện thực hóa chủ trương khuyến khích hợp tác kinh thế, thương mại đầu tư với châu Phi, Trung Đông của Chính phủ.