Công ty Teken Tekstil ở Amasya đã bắt đầu sản xuất hàng loạt bộ đồ kháng khuẩn để bán vào đầu tháng 2 này sau khi Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ trong việc đáp ứng nhu cầu gia tăng ở nước này. Nhà sản xuất này thường tập trung vào quần áo nữ, nhưng trước sự bùng phát mới đã tăng năng lực sản xuất và thuê thêm nhân công sau khi nhận được số lượng đơn đặt hàng đáng kinh ngạc từ Trung Quốc.
Ông Şener Şen, chủ sở hữu nhà máy, nói với hãng thông tấn Anadolu Agency (AA): "Kể từ khi chuyển đổi, chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng cho hơn một triệu sản phẩm. Chúng tôi đang sản xuất khoảng 5.000 chiếc mỗi ngày và chúng đang được gửi đến Trung Quốc trên các máy bay chở hàng”.
Bộ quần áo kháng khuẩn bảo vệ, hoàn toàn kín khí và dùng một lần, rất cần thiết cho nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Căn bệnh hiểm nghèo bắt đầu ở Trung Quốc không cho thấy có dấu hiệu chậm lại khi nhiều trường hợp mới tiếp tục xuất hiện ở các nước trên thế giới bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn lây lan. Danh sách các quốc gia bị virus tấn công đã tăng lên khoảng 60 nước. Sự bùng phát virus đã lây nhiễm hơn 86.000 người trên toàn thế giới, với cái chết lên tới 2.900. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào tháng trước đã tuyên bố ổ dịch khẩn cấp y tế quốc tế, đã nâng mức rủi ro toàn cầu từ "cao" lên "rất cao" vào ngày 28 tháng 2 vừa qua.
Trong khi đó, các nhà sản xuất dệt may Thổ Nhĩ Kỳ đang tranh giành để đáp ứng các đơn đặt hàng đang bùng nổ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát vì lĩnh vực này đã hoạt động với 85% công suất.
Ông Hadi Karasu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất quần áo Thổ Nhĩ Kỳ (TGSD) nói với AA: "Chúng tôi hy vọng sẽ tăng 10% trong xuất khẩu quần áo của chúng tôi. Hầu hết mức thiếu hụt sản lượng 1-2% trong ngành may mặc Trung Quốc sẽ được thay thế bằng sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ". Ông Hadi Karasu cũng cho biết xuất khẩu của ngành may mặc Thổ Nhĩ Kỳ đạt 17,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019, trong khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Trung Quốc là 173 tỷ đô la Mỹ, tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng lĩnh vực này không có khả năng nhận được thêm nhiều đơn đặt hàng hơn và việc tăng công suất là điều bắt buộc. Ông Hadi Karasu nhấn mạnh rằng sự mất giá của đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ so với các loại tiền tệ khác khiến các nhà xuất khẩu của đất nước cạnh tranh hơn.
Ông Karasu cho biết ngành dệt may Thổ Nhĩ Kỳ đã không tìm cách kiếm lợi nhuận từ dịch Covit-19 và sẵn sàng hợp tác với đối tác Trung Quốc. Ông Hadi Karasu nói thêm: “Thêm vào đó, chúng tôi phải đại tu công nghệ và hoàn thành chuyển đổi kỹ thuật số. Chúng tôi muốn thế giới loại bỏ căn bệnh này vì chúng tôi không thấy bất kỳ lợi điểm nào trong đó" và cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế là có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu về thời hạn giao hàng tốt hơn so với các nước Đông Á. Ông cũng cho biết các công ty Hoa Kỳ đã chuyển sang đặt hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ vì sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông Hadi Karasu lưu ý: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có mặt trên danh sách nguồn cung của các công ty tìm nguồn cung ứng của Hoa Kỳ trong 10 năm tới".
Một số người yêu cầu không nêu tên đánh giá một số nhà xuất khẩu quần áo ở Istanbul đã chứng kiến sự gia tăng 40-50% đơn đặt hàng từ các công ty châu Âu, theo các nguồn tin trong ngành, các thương hiệu nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu mua từ các nước Đông Á cho biết cũng đã bắt đầu đặt hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại về nhận thức của khách hàng về hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, chỉ ra điểm mạnh của năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.