Một ca điều trị ung thư phổi (Ảnh minh họa) |
Thống kê cho thấy, mỗi năm việc hút thuốc lá gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 200 tỷ USD. Hút thuốc cũng là gánh nặng về chi phí cho y tế và xã hội cao. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tại các nước có thu nhập cao chi phí chăm sóc sức khỏe do thuốc lá ước tính từ 6-15% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm. Hàng năm, Mỹ thiệt hại 170 tỷ USD, Trung Quốc 5 tỷ USD, Australia 21 tỷ USD.
Đối với các các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có cán bộ công nhân viên hút thuốc cũng chịu nhiều thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp như nhiều nhân viên xin nghỉ hơn do vấn đề sức khỏe; năng xuất lao động giảm; số lượng người nghỉ hưu sớm; tăng chí phí chăm sóc sức khỏe cho những nhân viên hút thuốc; tăng chi phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ; tăng chi phí bảo dưỡng và làm sạch môi trường nơi làm việc; tăng nguy cơ cháy nổ và các tai nạn khác liên quan đến hút thuốc; tăng chi phí bảo hiểm cháy nổ... Đó là chưa kể đến hình ảnh, uy tín của cán bộ cũng như đơn vị đối với khách hàng.
Một nghiên cứu năm 1996 tại Scotland ước tính cho thấy tổng số chi phí cho việc hút thuốc của các cán bộ nhân viên tại Scotland vào khoảng ¾ tỷ USD mỗi năm (cụ thể: nghỉ do các vấn đề liên quan đến hút thuốc tổn thất 60 triệu USD, giảm năng suất gây tổn thất 675 triệu USD, thiệt hại do cháy mà nguyên nhân là do hút thuốc gây thiệt hại 6 triệu USD). Còn tại Canada vào năm 1995, cho thấy chi phí ước tính mà công ty/doanh nghiệp bị tổn thất cho mỗi người hút thuốc là 2.565 USD. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào thực hiện để tính toán mức độ tổn thất của các công ty/doanh nghiệp dành cho những cán bộ nhân viên hút thuốc, nhưng những con số này sẽ rất đáng kinh ngạc do tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành Việt Nam rất cao tới 47,7%.
Ở quy mô gia đình có người nghiện thuốc lá cũng phải gánh chịu tổn hại kinh tế tương tự. Cụ thể, hút thuốc gây lãng phí phần đáng kể nguồn ngân sách vốn đã rất eo hẹp của các gia đình, đặc biệt là người lao động nghèo. Tiền mua thuốc lá làm giảm chi cho giáo dục, lương thực và chăm sóc sức khỏe hộ gia đình. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tại Australia là 7%, ở Hungary là 10.4%, và ở nông thôn Tây nam Trung quốc là 11%. Ở Bangladesh nếu 2/3 số tiền mua thuốc lá được dùng để mua thức ăn thì khoảng 10 triệu người sẽ tránh được suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, người hút thuốc và xã hội còn phải gánh chịu những chi phí do khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Tại Việt Nam chưa có con số thống kê toàn diện, chính xác về những tổn thất kinh tế - xã hội do hút thuốc lá gây nên. Tuy nhiên với trên 15 triệu người hút thuốc thì số tiền mua thuốc là rất lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Hàng năm, nhà nước cũng phải bỏ ra hàng chục nghìn tỷ để chi trả cho các chi phí khám chữa bệnh. Đơn cử như tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng (số liệu năm 2011). Các tổn thất này chưa bao gồm các chi phí điều trị 22 bệnh nguy hiểm khác do thuốc lá gây nên.
Đối với các hộ nghèo có người hút thuốc tại Việt Nam, cũng phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ví dụ, trung bình một người lao động nghiện thuốc tiêu dùng hết 1 bao thuốc lá/ngày với giá bình quân là 15.000 đồng/bao thì một tháng họ phải mất ít nhất 450.000 đồng, chiếm 1/5-1/6 tổng thu nhập/tháng. Đó là chưa kể đến các chi phí khám chữa bệnh phát sinh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu cho gia đình người nghiện thuốc như đồ ăn uống, các chi phí điện nước, tiền học hành của con cái... sẽ bị giảm đi.