Theo nhiều nhà bình luận, việc hội nghị đã quyết định bổ nhiệm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Tập Cận Bình làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan điều hành lực lượng gồm 2,3 triệu binh sĩ của Quân giải phóng Trung Quốc, nhiều khả năng ông có thể trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước của quốc gia đông dân nhất thế giới này trong đại hội đảng vào năm 2012.
Theo Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), 5 năm sắp tới là giai đoạn vô cùng quan trọng để nước này giải quyết những vấn đề còn tồn tại cũng như những khó khăn sẽ phát sinh, nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế mới toàn diện, trong đó nhấn mạnh không chỉ đến tốc độ tăng trưởng GDP mà vấn đề quan trọng hơn là "chất lượng tăng trưởng" sau khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Để làm được việc này, yếu tố con người được đặt lên hàng đầu.
Việc chọn cho được một nhân vật có thể tiếp tục một cách xuất sắc sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được xem là một trong những nội dung không kém phần quan trọng của Hội nghị Ủy ban Trung ương ĐCSTQ lần này.
Với việc hội nghị đã quyết định bổ nhiệm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Tập Cận Bình làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan điều hành lực lượng gồm 2,3 triệu binh sĩ của Quân giải phóng Trung Quốc, đã tạo điều kiện cần và theo nhiều nhà bình luận, nhiều khả năng ông có thể trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước của quốc gia đông dân nhất thế giới này trong đại hội đảng vào năm 2012.
Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình (phía trước) và
Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào trong một phiên họp.
Sau khi ra trường năm 1979, ông Tập Cận Bình liên tiếp đảm nhận những vị trí trọng yếu trong chính quyền và Đảng Cộng sản Trung Quốc tại bốn tỉnh: Thiểm Tây, Hà Bắc, Phúc Kiến và Chiết Giang. Trong suốt 17 năm, từ khi là Phó Thị trưởng Hạ Môn giữa thập niên 80 tới Tỉnh trưởng vào đầu những năm 2000, ông đã tận tâm xây dựng một chính quyền vì dân, giữ gìn môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên, khuyến khích hợp tác với Đài Loan bất chấp những khác biệt chính trị giữa đại lục và hòn đảo này. Thời kỳ ở Phúc Kiến từ năm 2000, ông đã thu được rất nhiều kinh nghiệm quý giá nhằm thu hút giới đầu tư Đài Loan và theo đuổi chính sách phát triển kinh tế thị trường.
Năm 2002, ông được điều động tới Chiết Giang, khi ấy tỉnh này đang phải đối mặt với một thực tế: tăng trưởng kinh tế quá mức không thể giúp cho sự phát triển bền vững. Sau khi nghiên cứu kỹ càng các điều kiện ở Chiết Giang, ông Tập đưa ra kết luận: tỉnh phải bắt đầu tái cơ cấu toàn bộ ngành công nghiệp.
Ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông yêu cầu chính quyền địa phương đóng cửa hoặc nhanh chóng di dời các ngành tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm cao, đồng thời nhanh chóng bắt tay hợp tác chặt chẽ với các khu vực phát triển lân cận như là Thượng Hải và Giang Tô để áp dụng các thành tựu trong khoa học và phát triển bền vững vào địa phương mình. Nhờ đó, Chiết Giang đã giữ được vị trí là một trong những tỉnh phồn thịnh nhất Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đạt 14% trong suốt hơn 20 năm.
Tại địa phương này, ông Tập Cận Bình còn nổi tiếng hơn nữa trong giới truyền thông quốc gia và nằm trong tầm ngắm đào tạo của những vị lãnh đạo Trung Quốc bởi tấm gương của một đảng viên và cán bộ chính quyền đi tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng, vì thế năm 1990, ông trở thành hiệu trưởng trường Đảng ở Phúc Châu. Năm 1999, ông là Phó tỉnh trưởng Phúc Kiến và được bổ nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng một năm sau đó, do đóng vai trò quan trọng trong việc phanh phui một vụ án tham nhũng lớn tại đây vào cuối những năm 90.
Năm 2002, ông giữ một số cương vị quan trọng trong chính quyền và trong Đảng ở tỉnh Chiết Giang, rồi trở thành Bí thư Tỉnh ủy. Ông trở thành Ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 15 và là thành viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 16.
Tháng 3/2007, ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm chính thức làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, sau một vụ bê bối quỹ an sinh xã hội đã khiến Trần Lương Vũ bị cách chức Bí thư Thành ủy tại đây. Khi nhận quyết định, ông Tập Cận Bình chỉ nói một câu ngắn gọn: "Tôi sẽ làm tốt nhất có thể để đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho người dân Thượng Hải'' và chỉ sau bảy tháng đảm nhận công việc ở trung tâm tài chính quan trọng bậc nhất của đại lục, con người này không chỉ duy trì sự ổn định ở Thượng Hải mà còn thay đổi hình ảnh mới cho thành phố, khiến nó phát triển hòa hợp và năng động hơn. Không những thế, ông còn yêu cầu người Thượng Hải phá bỏ tâm lý "địa phương chủ nghĩa" bằng cách cởi mở hơn, tăng cường hợp tác hơn và chia sẻ thành tựu của mình cho những khu vực khác để cả nước cùng phát triển và phồn thịnh.
Do những đóng góp to lớn cho Thượng Hải nói riêng và cho toàn cuộc nói chung, năm 2007, ông Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kể từ đây ông được nhìn nhận như một trong những gương mặt hứa hẹn nhất trong thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc.
Sự thăng tiến của ông Tập tiếp tục được đánh dấu bằng việc ông trở thành Phó Chủ tịch nước Trung Quốc năm 2008 và tiếp tục được ĐCSTQ rèn luyện trong môi trường quốc tế như được giao trọng trách chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008 và đảm nhiệm các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Macau. Trước đó, vào năm 2005, ông Tập Cận Bình trong công tác đối ngoại được giao làm trưởng đoàn đàm phán tới CHDCND Triều Tiên để thực hiện sứ mệnh của Bắc Kinh nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân tại bán đảo này.
Ông Tập Cận Bình còn có nhiều ảnh hưởng từ quân đội khi ông công tác tại Văn phòng Quân ủy Trung ương Trung Quốc cuối 70 đầu 80. Những năm sau đó, ở bất kể nơi làm việc nào ông cũng thường xuyên duy trì quan hệ mật thiết với quân đội.
Tạp chí Time của Mỹ trong năm 2009 đã xếp ông Tập Cận Bình vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới không chỉ bởi ông là một nhà cải tổ kinh tế thị trường mà còn là nhà cải tổ chính trị. Ông được nhiều chính khách nước ngoài yêu mến vì sự thực tiễn phong phú, trí tuệ huệ minh và tính thẳng thắn.
Gia đình riêng của ông Tập Cận Bình cũng rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Phu nhân của ông- bà Bành Lệ Viện- hiện là một trong những nghệ sĩ hát dân ca hàng đầu của Trung Quốc. Người phụ nữ "tài sắc khác thường" 47 tuổi này còn mang hàm Thiếu tướng và là Giám đốc nghệ thuật của đội quân nhạc Quân giải phóng. Còn con của họ- cô Tập Minh Trạch- hiện đang là sinh viên của trường Đại học Harvard nổi tiếng thế giới từ tháng 9 năm nay.
Ông từng tâm sự: "Tôi nghĩ, điều cốt yếu nhất với một quan chức là hiểu rõ dân thường và xã hội". Chính tư tưởng này đã trở thành động lực kỳ diệu để thăng hoa trí tuệ và nhân tâm trong một con người như ông thành sức mạnh của đầu tàu có khả năng góp phần cùng lãnh đạo Đảng, nhà nước Trung Quốc kéo cả dân tộc và cả đất nước tiến tới bến vinh quang trong sự tôn trọng và ngưỡng mộ của thế giới.
Ông Tập Cận Bình sinh năm 1953, tại tỉnh Thiểm Tây, trong một gia đình cán bộ cao cấp của Đảng và nhà nước Trung Quốc, cha ông là Tập Trọng Huân- người từng là Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch cơ quan lập pháp Trung Quốc, và có thành tích xuất sắc trong các phong trào cải cách văn hóa vào những năm 1960. Tuy xuất thân thuộc diện con nhà nòi, song từ năm 16 tuổi ông đã được gửi tới một ngôi làng miền núi hẻo lánh ở tỉnh Thiểm Tây, phía Tây Bắc Trung Quốc để được tôi luyện trong môi trường "ngày thì cắt cỏ, thu hoạch lúa mỳ, chăn cừu; đêm thì đọc sách trong ánh đèn dầu lờ mờ và khi ngủ thì thường xuyên bị bọ chét hành hạ". Sau sáu năm "thử sức" ở đây, ông được dân địa phương bầu làm Bí thư thôn vì có uy về sự sáng tạo, nhiệt tình trong công việc. Năm 1971, ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc và trở thành đảng viên ĐCSTQ vào năm 1974. Sau những năm tháng lao động và tích lũy kinh nghiệm thực tế ở nông thôn, ông mới bước chân vào trường Đại học Thanh Hoa- nơi đào tạo các nhân tài cho đất nước. Và vào năm 1979, ông trở thành kỹ sư hóa chất. |
Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2003 tới tháng 12/2008, các cơ quan kiểm tra kỷ luật từ trung ương tới địa phương đã xử lý khoảng 852.000 trường hợp vi phạm kỷ luật của quan chức và trừng phạt 881.000 người. Trong số những người bị trừng phạt có 2.386 quan chức cấp tỉnh và bộ, 29.905 quan chức cấp huyện. 24.718 người đã bị giao cho cơ quan công tố để xét xử. |
Theo CAND