Theo tin từ Bloomberg, Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGNPG) đã mở hệ thống đặt chỗ trực tuyến để người dân có thể tham quan 9 nhà máy điện hạt nhân hàng đầu tại Trung Quốc.
Để hỗ trợ khách tham quan, CGNPG cũng đã xuất bản một cẩm nang du lịch, trong đó có bản đồ các nhà máy điện hạt nhân.
Một dự án điện hạt nhân ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trong sự kiện khởi động chương trình tham quan tại Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Đức ở tỉnh Phúc Kiến vào ngày 8-8, CGNPG đã mời du khách chiêm ngưỡng 4 lò phản ứng CPR-1000.
Bên cạnh đó, khách tham quan còn có cơ hội đến thăm các lò phản ứng Hoa Long I, sản phẩm hợp tác giữa CGNPG và Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), tại thành phố Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây.
Lãnh đạo tập đoàn cũng cho biết, Nhà máy Điện hạt nhân San'ao đang được xây dựng gần bờ biển Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang đã trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Ngoài việc thúc đẩy du lịch địa phương, CGNPG còn hy vọng sáng kiến này sẽ giúp củng cố lòng tin của công chúng vào ngành hạt nhân bằng cách cung cấp thông tin về các chủ đề như kiểm soát nồng độ bức xạ và an toàn hạt nhân.
Phát biểu tại sự kiện ra mắt dự án "du lịch hạt nhân" vào ngày 8-8, người phát ngôn CGNPG, ông Quách Thiên Tân, nhấn mạnh rằng đây không chỉ là một hoạt động phổ biến khoa học công cộng mà còn là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực du lịch hạt nhân.
Ông cũng bày tỏ kỳ vọng rằng sáng kiến này sẽ nâng cao sự hiểu biết và lòng tin của công chúng đối với năng lượng hạt nhân, đồng thời góp phần vào sự phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp điện hạt nhân của Trung Quốc.
Theo Bloomberg, sự ủng hộ của người dân đối với lĩnh vực hạt nhân là yếu tố thiết yếu trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng ngành năng lượng hạt nhân để đạt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải nhà kính vào năm 2060.
Hiện tại, Trung Quốc đang xây dựng 30 lò phản ứng hạt nhân, chiếm một nửa số lò phản ứng đang được xây dựng trên toàn cầu.
Trung Quốc đã đạt được sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực điện hạt nhân, nhưng đến năm 2022, điện hạt nhân chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điện của nước này. Trong khi đó, điện hạt nhân chiếm gần 18% sản lượng điện ở Mỹ.