Trả lời phỏng vấn Vuasanca , TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế nêu ra nhiều giải pháp để thị trường xăng dầu hiện nay.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu. Theo ông, vấn đề giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu cấp thiết như thế nào trong thời gian này?
TS. Vũ Đình Ánh: Theo tôi vấn đề điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu hiện nay là chưa thực sự cần thiết. Bởi, thứ nhất, giá xăng dầu hiện nay đã giảm rất nhiều từ mức đỉnh bình quân khoảng 33.000 đồng/lít xăng dầu xuống còn khoảng 25.000 đồng/lít, thậm chí tới đây có khả năng xăng dầu sẽ giảm tiếp về khoảng 22 - 23.000 đồng/lít. Mức giá này theo tôi là hợp lý và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay.
Thứ hai, hiện áp lực của giá xăng dầu vào vấn đề tăng chi phí, cũng như vấn đề về lạm phát đã giảm đi rất nhiều. Do đó, bây giờ chúng ta đặt vấn đề giảm thuế là không thật sự cần thiết.
TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế |
Tuy nhiên, theo tôi, thời gian này, chúng ta cần rút ra bài học quan trọng, đó là phải chủ động và linh hoạt hơn trong vấn đề về giảm thuế hay các khoản thu của ngân sách nhà nước đối với xăng dầu. Vì lúc chúng ta cần giảm thuế nhất, chính là lúc giá xăng dầu tăng vọt.
Tôi lấy ví dụ: Khi xăng dầu tăng cao ở mức 33.000 đồng/lít lúc đó chúng ta giảm thuế, để xăng dầu thay vì tăng lên ba 33.000 đồng thì nó chỉ tăng lên khoảng 28.000 đồng thôi, thì lúc đó mới thấy rõ giá trị của việc giảm thuế. Còn chúng ta để xăng dầu tăng lên mức 33.000 đồng/lít rồi và sau đó đã giảm nhiều xuống mức tương đối hợp lý là 22 - 23.000 đồng/lít thì theo tôi không cần phải áp dụng các biện pháp giảm thuế nữa.
Thưa ông, cũng liên quan đến vấn đề thuế, nhưng là việc thu thuế vào ngân sách nhà nước, đó là: Khi người dân tiêu thụ mỗi một lít xăng dầu thì đã phải đóng thuế VAT cho nhà nước, thế nhưng hiện nay đa số người dân mua xăng dầu lẻ đều không lấy hoá đơn, điều này đồng nghĩa với việc nhà nước có thể sẽ thất thu một khoản ngân sách lớn và số tiền này chảy vào túi ai?
TS. Vũ Đình Ánh: Thuế VAT trong xăng dầu là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Khi người tiêu dùng mua 1 lít xăng, thì người tiêu dùng đã phải đóng khoản thuế đó cho nhà nước, người bán là người làm vai trò là người nộp thuế hộ cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, trong trường hợp người tiêu dùng không lấy hoá đơn VAT thì không có căn cứ để chứng tỏ người tiêu dùng đã nộp thuế cho nhà nước, và người bán sẽ lợi dụng điều này để trốn nộp, nói một cách thẳng thắn là chiếm đoạt khoản thuế này dẫn đến ngân sách nhà nước thất thoát một khoản lớn.
Để xử lý vấn đề này, theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước về thuế, phí ở đây là cơ quan Thuế và Bộ Tài chính cần phải vào cuộc một cách quyết liệt. Bởi, tại Việt Nam hiện nay thói quen mua hàng và lấy hóa đơn đối với cá nhân là rất ít. Nếu bây giờ chúng ta đợi người tiêu dùng có thói quen lấy hoá đơn thì rất khó và rất lâu. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về thuế cần có chế tài để quản lý, thu khoản thuế giá trị gia tăng này.
Tôi lấy ví dụ, có thể hoá đơn giá trị gia tăng người tiêu dùng không lấy nên không có, nhưng cơ quan thuế toàn có thể quản lý được lượng nhập và lượng bán của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Tức là thu thế giá trị gia tăng trên số nhập khớp với số bán, chứ không cần thu trên số hoá đơn đã xuất cho người tiêu dùng.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế và Bộ Tài chính ở đây là rất quan trọng, tránh việc thất thoát thuế (nếu có), hoặc doanh nghiệp trốn tránh thuế, thậm chí là chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.
Lực lượng chức năng các địa phương thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu dịp nghỉ Lễ 2/9/2022 |
Thời gian gần đây, thị trường xăng dầu lại “nóng” khi nhiều cửa hàng xăng dầu bán lẻ kêu khó, phải chịu lỗ do không nhận được hoa hồng, còn một số các doanh nghiệp đầu mối cũng kêu cứu khi bị Bộ Công Thương có thể tước giấy phép kinh doanh. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Vừa rồi, Bộ Công Thương thu hồi giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhưng chưa thực hiện và doanh nghiệp vẫn được tiếp tục kinh doanh. Theo tôi, vấn đề rất quan trọng hiện nay chính là bài học rút ra từ câu chuyện này. Đó là quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước đang bị thách thức. Nguyên nhân là bởi khi chúng ta chưa tạo được một thị trường cạnh tranh hoàn hảo giữa các cái doanh nghiệp đầu mối, thì lại nảy sinh một vấn đề mới là gần như thiếu hoàn toàn việc cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ hay còn gọi là hệ thống cuối cùng.
Điều đó khiến cho các cây xăng bán lẻ kêu ca về câu chuyện chiết khấu bởi họ không có lựa chọn nào khác. Tức là họ không thể là chuyển từ doanh nghiệp đầu mối này sang doanh nghiệp đầu mối khác. Theo tôi, sự phụ thuộc này gần như một dạng quan hệ “mẹ con” giữa các doanh nghiệp đầu mối và các cây xăng bán lẻ khiến cho thị trường không có sự cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ với nhau.
Do đó, bây giờ bất kể chúng ta có cơ chế giá kiểu gì đi chăng nữa thì cũng không tạo ra cái gọi là giá thị trường được. Kéo theo đó, phần chiết khấu cao hay thấp cũng không có tác dụng, hay thậm chí sẽ bị méo mó đi khi mà chúng ta không có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo.
Vậy theo ông cần có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường xăng dầu tại Việt Nam hiện nay?
TS. Vũ Đình Ánh: Giải pháp cho các vấn đề nêu trên, theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, kể cả thị trường bán buôn. Tức là những doanh nghiệp đầu mối, hệ thống phân phối, đại lý lớn cũng như thị trường bán lẻ làm sao đảm bảo tính cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi mà có biến động từ phía doanh nghiệp đầu mối.
Đồng thời, trên cơ sở đó sẽ có một cơ chế giá phù hợp và gắn với đó là việc điều hành bình ổn giá thông qua các biện pháp như cắt giảm các khoản thu ngân sách hay thuế, phí… một cách chủ động và linh hoạt thì mới tạo ra sự đồng bộ về quản lý, điều hành.
Điều đặc biệt là thị trường thiết lập mới này phải được đặt trên nền tảng là chúng ta đã tự chủ sản xuất được 70 tới 75% lượng xăng dầu trong nước. Hiện nay hệ thống phân phối xăng hầu của chúng ta được thiết kế từ rất lâu, từ thời chúng ta vẫn nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn 100%, nên tính chất để can thiệp thị trường bây giờ đã rất khác rồi. Bây giờ chúng ta đang đóng vai của người sản xuất và tiêu thụ, chứ không phải đóng vai của người nhập khẩu và tiêu thụ nữa như trước đây. Và bản thân các doanh nghiệp đầu mối xưa chúng ta gọi là những nhà nhập khẩu thuần tuý, thì nay phú vầng thì bây giờ họ chính là đối tác của các nhà sản xuất xăng dầu ở trong nước.
Do đó bây giờ quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu tính chất đã khác nhiều. Nên tôi nghĩ điểm then chốt và quan trọng nhất đối với cơ quan quản lý nhà nước ở đây là Bộ Công Thương phải làm bây giờ là thiết lập lại thị trường xăng dầu để đảm bảo mấy điểm sau:
Thứ nhất, là đảm bảo tính cạnh tranh.
Thứ hai, là đảm bảo quyền lực quản lý của nhà nước và cơ chế điều hành.
Thứ ba, là liên quan tới câu chuyện khả năng tự sản xuất được xăng dầu trong nước của chúng ta hiện nay đang rất lớn, nên đã khác hoàn toàn với câu chuyện trước đây mình cứ lý giải là phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Xin trân trọng cảm ơn ông!