Những hội thi về tác hại thuốc lá có tác động rất tích cực |
PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTHTL cho biết, trong những năm qua đã có nhiều hoạt động nhằm thực thi các quy định của nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá với mục tiêu nâng cao sự hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công nhân viên cũng như các đối tượng khác trong xã hội về tác hại thuốc lá; hướng tới mục tiêu giảm nhu cầu, giảm số lượng người hút thuốc lá; bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
Đơn cử như năm năm 2015, tại các tỉnh/thành phố đã có hơn 1.000 buổi truyền thông trực tiếp cho 22.673 người; hơn 400 trường trung học phổ thông, 457 trường trung học cơ sở thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên tại các tỉnh, thành phố được đẩy mạnh. Trong 3 năm qua, hơn 15.000 cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động PCTH thuốc lá được tập huấn về thực hiện môi trường không khói thuốc.
Công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá được bước đầu triển khai, trong đó Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm tư vấn cai nghiện và tổ chức đào tạo giảng viên nguồn về tư vấn cai nghiện thuốc lá. Tính riêng từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2015 tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá đã tiếp nhận hơn 10.000 cuộc gọi xin tư vấn cai nghiện thuốc lá, đồng thời tổ chức đào tạo cho hơn 800 cán bộ y tế tại 63 tỉnh, thành phố về về tác hại của thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Năm 2015, 2016 cũng là năm có nhiều sự kiện văn hoá, thể thao lớn tại cộng đồng đã gắn chặt với việc tuyên truyền tác hại thuốc lá như sự kiện Festival Nha Trang – thành phố biển không khói thuốc lá; Đại hội Thể thao bãi biển châu Á không khói thuốc tại Đà Nẵng; Lễ phát động các Chiến dịch xây dựng Ngôi nhà không khói thuốc; Phụ nữ xây dựng tổ ấm không khói thuốc lá do Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đại diện các Bộ, ngành, đông đảo thanh niên, sinh viên là những sự kiện đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong cộng đồng trong thời gian qua.
Biểu diễn văn nghệ tại một Hội thi tuyên truyền về thuốc lá năm 2017 |
Theo Gs. Lương Ngọc Khuê, từ những nỗ lực tuyên truyền thường xuyên, rộng khắp đã giúp nhận thức của cộng đồng về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động tăng cao. Đơn cử như năm 2015, hơn 90% người trưởng thành tin rằng hút thuốc gây các bệnh nguy hiểm; Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 13,3%, hút thuốc thụ động tại trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, tại nhà hàng giảm 4,2%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%, hút thuốc thụ động tại cơ sở chăm sóc y tế giảm 5,2%.
Có thể nói, đây là kết quả rất đáng mừng vì khi có thêm hiểu biết, kiến thức sẽ giúp người hút thuốc chuyển từ ý thức sang hành động và cộng đồng cũng lên tiếng mạnh mẽ về quyền được sống trong môi trường sạch, không khói thuốc, qua đó kéo giảm tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam.
Qua theo dõi, các hình thức tuyên truyền về tác hại thuốc lá thời gian qua cũng khá đa dạng và phong phú như nói chuyện trực tiếp, tổ chức hội thi, văn nghệ, diễu hành đạp xe, phát tờ rơi, tài liệu, treo băng rôn, gắn biển báo; đăng tin bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng... tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào và hình thức. Nghĩa là làm theo nhiệm vụ chứ không xuất phát từ trách nhiệm và lợi ích chung. Việc tuyên truyền còn thiếu trọng tâm trọng điểm, chưa có những hành động cụ thể với mục tiêu, thời hạn rõ ràng đối với từng ngành/nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó, cách tuyên truyền chưa được linh hoạt, sáng tạo nên hiệu quả chưa cao. Ví dụ một buổi tập huấn vẫn ngồi theo kiểu lớp họp, người giảng cứ giảng còn người nghe làm việc của mình (thụ động) mà không có sự giao tiếp nào. Hay như cách tuyên truyền bằng hội thi, cuộc thi, kết hợp biểu diễn văn nghệ rất sáng tạo, sâu sắc, dễ đi vào lòng người thì chưa được nhân rộng và làm thường xuyên.
Để tuyên truyền có hiệu quả, thiết nghĩ mỗi Ban chỉ đạo PCTHTL ở cấp trung ương đến địa phương cần dựa trên những số liệu của từng nhóm đối tượng để xây dựng chương trình, nội dung, hình thức phù hợp và có mục tiêu cụ thể cho mỗi đợt tuyên truyền. Nhưng quan trọng hơn vẫn là ý thức trách nhiệm vì lợi ích chung của cộng đồng.