Tạo dựng hợp tác công - tư trong y tế
Mục tiêu của đối thoại nhằm chia sẻ các thách thức và cơ hội về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyển tuyến trong hệ thống y tế cơ sở, với trọng tâm là các sáng kiến, dự án và đầu tư do Bộ Y tế chỉ đạo; đạt được sự đồng thuận từ Bộ Y tế, các đối tác phát triển, lĩnh vực tư nhân/các doanh nghiệp về một tầm nhìn chung trong đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam…
PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế (thứ hai từ trái qua) phát biểu |
Hiện Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên phát triển một hệ thống y tế vững mạnh và rộng lớn, coi đây là nền tảng nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Bộ Y tế đã thiết lập 3 trụ cột để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu gồm chương trình Việt Nam khỏe mạnh, chương trình tăng cường y tế cơ sở và các chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình này cần được đồng hành và thống nhất với nhau để tối ưu hóa các tác động của chúng.
Theo Bộ Y tế và các chuyên gia, việc đồng thuận về việc tạo dựng sự hợp tác đối tác công - tư điển hình mới, dưới hình thức nhóm công tác về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu, có tiềm năng đổi mới cách thức hệ thống y tế cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Đối thoại về hợp tác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu đã thảo luận việc thành lập nhóm công tác về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp bổ sung thêm vào các nỗ lực của Chính phủ trong chuyển đổi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam.
Nhóm công tác sẽ được đặt tại Bộ Y tế và thúc đẩy sự chia sẻ kinh nghiệm đa dạng, các đầu tư và chuyên môn của các đối tác nhằm tăng cường cho các dự án thí điểm hiện tại của Bộ Y tế, nhằm tạo nên mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu mới và toàn diện trên khắp Việt Nam. Nhóm công tác cũng có mục đích tạo ra cú hích đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia nhằm đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cho mọi công dân vào năm 2030.
Nhóm công tác về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ bao gồm các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và ba thành viên đồng sáng lập là Diễn đàn kinh tế thế giới, Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu của Trường Đại học Y Harvard và Tập đoàn Novartis, nhằm xây dựng một hình thức hợp tác đối tác công - tư sáng tạo để giúp thực hiện các mục tiêu của Bộ Y thông qua việc tăng cường các dự án thí điểm hiện tại về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại 30 tỉnh của Bộ Y tế. Các bài học từ các dự án này sẽ được nhân rộng trên quy mô quốc gia. Nhóm công tác cũng sẽ xây dựng kế hoạch hành động bao gồm sự thống nhất về mục tiêu, các mốc và chiến lược tổng thể.
Đặc biệt, nhóm công tác về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ được mở cho bất cứ tổ chức nào trong lĩnh vực công, tư và phi lợi nhuận, cũng như các viện, cơ quan, các tổ chức dân sự... khi họ cam kết lâu dài trong việc cải thiện lĩnh vực y tế ở Việt Nam. Điều quan trọng là lĩnh vực hoạt động không chỉ tập trung vào chẩn đoán và điều trị, mà còn đầu tư vào dự phòng, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm, hiện là nguyên nhân của ¾ các trường hợp tử vong ở Việt Nam.
Phát triển hệ thống y tế vững mạnh
Phát biểu tại đối thoại này, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam cam kết đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030. Chúng tôi đã đạt được các thành tựu to lớn về hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và chúng tôi mong muốn tiếp tục đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu về y tế.
Tiến sĩ Andrew Ellner, Giám đốc Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu và thay đổi xã hội toàn cầu của Đại học Y Harvard, Hoa Kỳ cho biết, chúng tôi rất vinh dự được tham gia hợp tác với các nhà lãnh đạo của khối tư nhân và Chính phủ Việt Nam. Với sự cam kết đặc biệt về sự công bằng và tăng cường tuyến đầu của cung ứng dịch vụ y tế, Việt Nam đã đạt được thành tích ngoạn mục về nâng cao sức khỏe người dân và vươn đến mức độ chưa từng có về tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao cho mọi công dân của mình.
“Chúng tôi mong chờ được hỗ trợ nỗ lực này nhằm đổi mới sự an toàn, chất lượng và kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe tại các trạm y tế xã, bằng cách mang đến các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất về cách thức tổ chức các đội chăm sóc sức khỏe ban đầu và thúc đẩy sử dụng các công cụ công nghệ thông tin” - Tiến sĩ Andrew Ellner nói
Còn Tiến sĩ Harald Nusser, Giám đốc toàn cầu chương trình kinh doanh mang tính xã hội của Tập đoàn Novartis nhận định, với việc xây dựng và triển khai các hoạt động tiếp diễn ở Việt Nam và khu vực Châu Á, chúng tôi mong muốn được mang đến đây các chuyên môn và thế mạnh của mình vào mối quan hệ hợp tác đối tác mới này ở Việt Nam. Tôi tin rằng Novartis có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam bằng cách hỗ trợ tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và tiếp tục đo lường các tác động của mô hình mới này về chất lượng dịch vụ được cung ứng cho các bệnh nhân Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Dessislava Dimitrova, Trưởng bộ phận các hệ thống y tế, Diễn đàn kinh tế thế giới, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là quốc gia đi đầu về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tạo ra một hình mẫu tuyệt vời khi hợp tác với các doanh nghiệp, các hiệp hội, các cơ quan hàn lâm để đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân chất lượng cao và có khả năng chi trả. Vai trò của Diễn đàn kinh tế thế giới như là một diễn đàn trung lập nhằm thúc đẩy hình thức hợp tác giữa nhiều đối tác là rất quan trọng, đây cũng là nhu cầu ngày càng tăng của các Chính phủ trong việc hợp tác với lĩnh vực tư nhân và các đối tác khác để hỗ trợ đổi mới hệ thống y tế của quốc gia mình.
Việt Nam đã đạt được các thành công vượt bậc về phát triển hệ thống y tế với gần 90% dân số có bảo hiểm y tế. Đặc biệt, theo báo cáo giám sát toàn cầu mới nhất về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân được công bố bởi Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới, 97% trẻ em Việt Nam được tiêm phòng chuẩn - một tỷ lệ cao hơn ở hầu hết các nước có thu nhập cao. |