Theo chuyên gia phân tích Andrew Amoils của New World Wealth (Công ty Phân tích sự thịnh vượng trên toàn cầu), Việt Nam được dự báo sẽ tăng mức độ thịnh vượng 125% trong 10 năm tới. Đây sẽ là mức gia tăng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khi xét về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
“Việt Nam là trung tâm sản xuất ngày càng được ưa thích đối với các tập đoàn đa quốc gia về công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may. Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú USD và 58 cá nhân có tài sản trị giá hàng trăm triệu USD. Việt Nam cũng được coi là quốc gia an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này giúp các công ty có thêm động lực để thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam”, ông Amoils nhận định.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường linh hoạt và mang lại tiềm năng (Ảnh minh hoạ) |
Ngoài ra, theo báo cáo của hãng tư vấn McKinsey, Việt Nam có “vị trí chiến lược”, chi phí lao động thấp, cùng với cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa. Những yếu tố này đã biến Việt Nam thành một “điểm đến hàng đầu” cho đầu tư quốc tế.
Trong khi đó, ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư của VinaCapital Group, cho hay: “Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi”.
Theo The Star, Việt Nam vẫn là ngoại lệ trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên quy mô toàn cầu và khu vực trong năm qua. Các nhà kinh tế cho biết, nền kinh tế Đông Nam Á dự kiến sẽ thu hút một lượng lớn vốn FDI trong năm nay.
“Việt Nam là một trong các quốc gia mà các tập đoàn nên mở rộng đầu tư, kinh doanh. Việt Nam có lợi thế về sự ổn định chính trị lâu dài và đây là động lực thu hút hoạt động kinh doanh”, trang CTM File nhận định.
Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô, Quỹ Đầu tư VinaCapital, Việt Nam về cơ bản đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư FDI với giá nhân công rẻ và sự gần gũi về mặt địa lý với chuỗi cung ứng.
“Giữa những thách thức toàn cầu, sự phát triển của công nghiệp và hoạt động xuất khẩu tại Việt Nam cho thấy những dấu hiệu phục hồi tốt. Ngành dệt may cùng với xuất khẩu cà phê và gạo không chỉ là những mặt hàng chủ lực truyền thống của nền kinh tế Việt Nam; mà giờ đây là những ngành tiên phong dẫn đầu nỗ lực phục hồi”, trang BNN Breaking cho biết.