Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh |
Sau 10 năm với nhiều thành tựu, hàng Việt Nam lại đối diện với những khó khăn mới khi phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài do tác động của các hiệp định thương mại tự do. Trong bối cảnh đó, ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây được coi là bước đệm hoàn hảo cho Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) trong giai đoạn mới.
Còn đó những khó khăn
TS. Tô Hoài Nam - thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương CVĐ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam - nêu thực trạng, dù chiếm đa số nhưng hiện nay, sự liên kết của các DN nhỏ và vừa Việt Nam còn yếu. Đặc biệt, rất ít mối liên kết giữa DN nhỏ và DN có quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu được hình thành sau một giai đoạn tích lũy ngắn ngủi, dựa vào vốn tự có và ít được nhà nước hỗ trợ… Vì vậy, vẫn thiếu một lực lượng DN đủ mạnh để có thể dẫn dắt DN Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam, đây là khó khăn rất lớn.
“Xây rất khó, phá rất dễ”, câu nói đó được ông Lê Bá Trình- nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó trưởng BCĐ Trung ương CVĐ - nhắc đi nhắc lại khi nói về những tồn tại khó chấp nhận của hàng hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay như hàng nhái, hàng giả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ông dẫn chứng, Trung thu vừa qua, một vụ việc rất đau lòng được phanh phui, đã có DN mua loại bánh 2.000 đồng trôi nổi của Trung Quốc, dán thương hiệu nổi tiếng để bán.Việc làm ăn chụp giật trong một giai đoạn nhất định có thể giúp DN thu được 1 chút lợi nhuận nhưng khi bị phanh phui sẽ để lại một “vết nhơ” không thể nào xóa được trong tâm trí của người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường |
Trước đây, DN gặp khó do hàng sản xuất không bán được, nhưng nay, khi đã có thị trường, có người tiêu dùng, khó khăn lại đến bởi khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nhiều mặt hàng nhập khẩu được giảm thuế sâu, thị trường trong nước phải “chia 5, xẻ 7”. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia, cũng là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà nếu DN không chủ động nâng cao sức cạnh tranh sẽ không thể đứng vững.
“Tiếp lửa” cho giai đoạn mới
Ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết là thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân.
Ông Lê Bá Trình đánh giá, với những giải pháp tập trung hỗ trợ DN, Nghị quyết này được kỳ vọng góp phần phát triển khối DN tư nhân, tạo nguồn hàng ổn định, đóng góp quan trọng cho thực hiện CVĐ giai đoạn mới.
“Đây là chủ trương chính trị của Đảng. Thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng hiện thực hóa chủ trương này thành các cơ chế cụ thể để khuyến khích phát triển khối DN tư nhân, khối DN nhỏ và vừa - đối tượng chiếm số đông và giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế” - ông Lê Bá Trình cho hay.
Đồng ý kiến, TS. Tô Hoài Nam bày tỏ, để nhân rộng những kết quả CVĐ trong giai đoạn mới, các chủ trương, chính sách phải tập trung vào việc tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về phát triển DN; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối DN các vùng miền, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng…
Đặc biệt, vấn nạn hàng nhái, hàng giả đang là thách thức đối với các DN và cả nền kinh tế. Do đó, các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành cần tăng cường phối hợp, kiểm tra, kiểm soát…Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, bảo vệ DN làm ăn chân chính, phát huy vai trò của DN trong sản xuất và tiêu thụ hàng Việt.
“DN cũng phải từ bỏ tư tưởng làm ăn chụp giật bởi đó là con đường ngắn nhất dẫn đến bờ vực phá sản” - ông Lê Bá Trình khuyến cáo.
TS. Tô Hoài Nam - thành viên BCĐ Trung ương CVĐ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam: Bên cạnh sự nỗ lực của DN, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đi đầu trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt khi mua sắm công. Người tiêu dùng cũng cần tiếp tục dành ưu tiên cho hàng Việt Nam nếu hàng Việt có chất lượng và giá cả tương đương với hàng nhập ngoại. |
“Ý Đảng - lòng dân” - cội nguồn sức mạnh - Kỳ I: Làn gió mới
|