Chủ trương kịp thời
Đón tôi tại căn phòng nhỏ trong một ngày Hà Nội nắng vàng như rót mật, những ký ức của ngày đầu triển khai CVĐ được ông Lê Bá Trình - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương CVĐ - người đặt những “viên gạch” đầu tiên cho CVĐ nhớ lại, vẫn trọn vẹn và rõ nét như mới diễn ra ngày hôm qua.
Hiện nay, cụm từ “hàng Việt Nam” đã dần trở nên quen thuộc trong tâm trí người tiêu dùng (NTD), nhưng cách đây 10 năm thì hoàn toàn khác. Ông Lê Bá Trình bồi hồi nhớ lại: “Trong khoảng những năm 2008 - 2010, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam bị tác động mạnh mẽ và hàng hóa sản xuất của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ rất nhiều. Tiêu thụ trong nước không được, xuất khẩu (XK) lại càng khó khăn hơn, DN lúng túng với việc phải sản xuất như thế nào? tiêu thụ ra làm sao? cách nào để vươn ra thị trường thế giới?”.
Các hoạt động xúc tiến thương mại cho hàng Việt liên tục được đổi mới |
Cùng lúc đó, NTD Việt Nam chưa quen với việc mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh hầu khắp thị trường. Do vậy, Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng đề án phát động một cuộc vận động để huy động toàn dân ưu tiên sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước, góp phần phát triển kinh tế, đặt nền móng đưa sản phẩm Việt Nam vươn ra thế giới. Từ đề án này, Bộ Chính trị đã ra Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 về tổ chức thực hiện CVĐ, giao MTTQ Việt Nam là đơn vị chủ trì.
Từ thông báo kết luận được đánh giá là vô cùng quan trọng thời kỳ đó, Ban Bí thư Trung ương ra Quyết định số 225 ngày 4/9/2009, thành lập BCĐ Trung ương CVĐ với 23 thành viên do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng ban, lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên.
“Từ một chủ trương của Bộ Chính trị, được “tiếp lửa” bằng một quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quá trình triển khai CVĐ được đánh giá là rất bài bản khi có sự chỉ đạo xuyên suốt, tạo điều kiện cho các kế hoạch được triển khai cụ thể, từ thông tin tuyên truyền, hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, bảo vệ NTD…” - ông Lê Bá Trình cho hay.
Đến năm 2014, sau Hội nghị tổng kết 5 năm CVĐ, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Kết luận số 107 ngày 10/4/2015 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ. Trong kết luận này, bên cạnh đánh giá những mặt được và chưa được, Ban Bí thư đã yêu cầu các thành ủy, tỉnh ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương xây dựng, rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện CVĐ; giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy có biện pháp triển khai CVĐ trong giai đoạn Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. “Cứ bộ, ngành, địa phương nào ra được chương trình hành động sớm, đồng thời có một đồng chí trong cấp ủy tham gia BCĐ thì chắc chắn CVĐ ở nơi đó thành công” - ông Lê Bá Trình nhấn mạnh.
Sức mạnh lan tỏa
Chủ trương đúng đắn của Đảng đã tạo nên một phong trào lan rộng đến cấp ủy các bộ, ngành, địa phương. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó trưởng Ban thư ký BCĐ Trung ương CVĐ, Thường trực BCĐ Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện CVĐ - cho hay, Bộ Công Thương là một trong những Bộ “xương sống” triển khai CVĐ. Trong suốt 10 năm qua, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương luôn giao cho một đồng chí Ủy viên Ban cán sự Đảng làm trưởng BCĐ CVĐ của Bộ. Hàng năm, Bộ Công Thương đều có chương trình hành động trên cơ sở triển khai các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước lồng ghép vào thực hiện CVĐ, từ sản xuất, kinh doanh đến bảo vệ NTD… Các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn… liên tục được đổi mới, giúp hàng Việt Nam chinh phục tốt hơn NTD Việt Nam.
Kết nối nông sản Sơn La với Hà Nội |
“Đặc biệt, 2 năm gần đây, hoạt động cải cách hành chính được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm và là một trong những Bộ đi đầu về cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh cho DN. Đây là nỗ lực lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN, góp phần vào thành công của CVĐ” - bà Lê Việt Nga cho hay.
Về phía các địa phương, TP. Hồ Chí Minh được coi là một trong những điểm sáng thực hiện CVĐ khi đã khéo léo lồng ghép CVĐ với một chương trình đã rất thành công trước đó là bình ổn thị trường. Đồng chí Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng BCĐ CVĐ TP. Hồ Chí Minh - thông tin, chương trình hành động thực hiện CVĐ của thành phố đã được gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tác động đến 3 đối tượng là NTD, DN và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo hiệu quả tổng hợp giúp các DN Việt thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và NTD cũng có cơ hội tiếp cận các mặt hàng sản xuất trong nước với giá cả phù hợp. Đặc biệt, với gần 11.000 điểm bán hàng Việt bình ổn giá, đây là hệ thống phân phối hiệu quả cho hàng Việt Nam có cơ hội tiếp cận NTD nhanh nhất.
Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, “dấu ấn” của CVĐ trên địa bàn Sơn La lại được ghi nhận bằng thành công trong hoạt động kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản địa phương. Đồng chí Lò Minh Hùng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - chia sẻ, để tiêu thụ thành công nông sản, đặc biệt là trái cây, 2 năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản. Tỉnh cũng thành lập BCĐ tiêu thụ và XK nông sản, trong đó trái cây là mặt hàng quan trọng.
Từ chủ trương đó, năm 2018, Tuần lễ Nhãn và nông sản an toàn Sơn La đã được tổ chức tại các siêu thị lớn như Intimex, HaproMart, VinMart, BigC, LotteMart. Sau 3 tuần tổ chức, Sơn La đã tiêu thụ được 500 tấn nông sản, nhiều nhất là nhãn. Do đó, dù năm 2018 là năm Sơn La đặc biệt được mùa nhãn, nhưng loại trái cây này được tiêu thụ khá tốt với giá ổn định.
Gần 90% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt Nam; nhiều thương hiệu Việt như Vinamilk, Vingroup, Vinacafe, TH true Milk, Vietcombank, BIDV, Vietinbank… ngày càng chiếm thị phần lớn; ý thức ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam tăng cao… Đó là những thành công mà CVĐ đạt được trong 10 năm qua. |
Kỳ II: Doanh nghiệp đồng hành