Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) trước đây là một trong những địa phương cực kỳ khó khăn nhưng đến nay đã “lột xác” ngoạn mục nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây mới, có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát ngèo |
Bà Đinh Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên cho biết: Những năm qua, huyện đã thành lập các đoàn công tác tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Từ đó xây dựng quy hoạch vùng trồng các loại cây phù hợp. Đặc biệt, hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng mua con giống, cây giống, mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân.
Theo bà Hà, hiện địa phương đang duy trì hơn 13.700 ha lúa; 2.510 ha cây ăn quả các loại; trên 1.100 ha cỏ phục vụ chăn nuôi và gần 5.000 ha trồng cây hoa màu và cây trồng khác.
“Trong năm 2020, huyện Phù Yên đã triển khai các mô hình trồng lúa và trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, tạo sức lan tỏa, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, làm tăng giá trị nông sản của địa phương. Đến nay, diện tích sản xuất lúa hữu cơ của huyện Phù Yên đạt trên 300 ha, tháng 10/2023 vừa qua, thương hiệu “Gạo hữu cơ” Phù Yên đã được công nhận” - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên thông tin.
Còn ông Đỗ Minh Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ) chia sẻ: Người dân trong xã đã và đang tổ chức thâm canh 80 ha chè Shan tuyết. Năng suất bình quân của chè Shan tuyết đạt hơn 4,5 tấn chè tươi/ha. Ngoài cây chè, xã Chiềng Yên còn trồng các loại cây ăn quả khác như: Bưởi, cam, quýt… với sản lượng khoảng 500 tấn/năm.
Theo ông Thanh, xã Chiềng Yên còn tích cực khai thác tiềm năng tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, được biết đến là một trong những điểm thu hút du khách với nhiều danh lam thắng cảnh như: Du lịch cộng đồng bản Nà Bai, thác Tạt Nàng. Trong năm 2022, đã có hơn 5.000 du khách đến tham quan trải nghiệm tại các điểm du lịch nơi đây, giúp cho xã thu về hơn 700 triệu đồng.
Cà phê hiện là cây trồng chủ lực ở tỉnh Sơn La, giúp người dân có thu nhập ổn định, xoá đói giảm nghèo |
Hướng tới giảm nghèo bền vững
Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 3 huyện thoát nghèo là: Mường La, Bắc Yên và Vân Hồ. Ngoài ra, tỷ lệ hộ có điện sinh hoạt an toàn đạt 94%, tỷ lệ hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; quan trọng hơn cả là tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 17,83%, bình quân giảm trên 3%/năm.
Để đạt được những kết quả này, UBND tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đa chiều, đặc biệt tập trung vào nhóm người nghèo là người dân tộc thiểu số; triển khai nhiều chương trình tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Ví dụ như việc mở cổng thông tin việc làm và tổ chức các hội chợ, hội nghị việc làm để hỗ trợ tìm việc cho người dân.
Đồng thời, phối hợp với các huyện để tổ chức hàng trăm hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, đã tuyên truyền thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho khoảng 23.000 người; tập trung vào các giải pháp khai thác thế mạnh của vùng và phát triển du lịch các địa phương một cách đồng bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La còn tập trung phát triển trồng, chế biến các loại cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao như cà phê, được công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê, xây dựng duy trì, phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn. Giá trị sản xuất cà phê năm 2022 ước đạt 857,8 tỷ đồng.
Sơn La thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo |
Theo thống kê, cuối năm 2022, toàn tỉnh Sơn La đã hỗ trợ được 2.213 nhà với tổng kinh phí hơn 156 tỷ đồng; tại các huyện Quỳnh Nhai, Mường La và Bắc Yên đã hoàn thành hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệnh về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc… Cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững
Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ xác định một số giải pháp đồng bộ như: Ưu tiên đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao thông qua việc rèn luyện các kỹ năng cho cả người mới và đào tạo lại các cán bộ, tổ chức; ứng dụng và quản lý số hóa hiệu quả để tối ưu hóa nguồn tài nguyên, nguồn lực xã hội. Nhằm đạt được mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025