Nước Anh chính thức khởi động các cuộc đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau lời tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế của Anh Liz Truss. Ngay sau đó, Ngoại trưởng của Anh – ông Dominic Rabb khởi động chuyến công du Đông Nam Á của mình với điểm dừng chân đầu tiên là Việt Nam vào ngày 21/6 vừa qua và bắt đầu cuộc đàm phán tại các quốc gia này.
Sau Việt Nam, ông Dominic Raab sẽ đến Campuchia và Singapore trong chuyến công du châu Á lần này nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Vương quốc Anh – ASEAN cũng như khẳng định tầm ảnh hưởng ở khu vực Indo- Pacific trong chính sách của mình hậu Brexit.
Đáng chú ý, Vương quốc Anh đã bày tỏ lập trường muốn xoay trục về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. “Vương quốc Anh cam kết tăng cường tình hữu nghị của chúng tôi tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng tôi thể hiện điều này thông qua cam kết gia nhập CPTPP, hợp tác với ASEAN và đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn nữa trong các mối quan hệ song phương của chúng tôi trong khu vực.” – Ông Dominic Raab phát biểu trước chuyến công du.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss nhận định: "Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi mang lại cơ hội lớn nhất cho Anh. Chúng tôi rời EU với cam kết tăng cường liên kết với các đồng minh cũ và các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh ngoài châu Âu... Đó là một kết quả quan trọng hậu Brexit mà tôi muốn chúng tôi đạt được".
Vương quốc Anh cho biết, việc tham gia vào hiệp định CPTPP giúp nước này mở ra cơ hội tiếp cận mới với các nền kinh tế đang phát triển nhanh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm các nước như Mexico, Malaysia và Việt Nam. Nếu thành công gia nhập CPTPP, Anh sẽ là quốc gia châu Âu đầu tiên và duy nhất có mặt trong hiệp định này.
Hiệp định CPTPP được ký kết năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% GDP toàn cầu.
Theo Bộ Thương mại Anh, việc nước này tham gia CPTPP sẽ giúp một số mặt hàng xuất khẩu chính của Anh như ô tô và rượu whisky được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, nước này sẽ được mở rộng thêm các quyền tiếp cận vào các nước thành viên CPTPP trong nhiều lĩnh vực bao gồm pháp lý, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp.
Anh dự báo sau khi gia nhập CPTPP, xuất khẩu của nước này sang các quốc gia thành viên Hiệp định sẽ tăng hơn 51 tỷ USD, tương đương 65%, vào năm 2030.
Chính phủ Anh cho biết các nước CPTPP chiếm khoảng 110 tỷ bảng Anh (153 tỷ USD) giá trị thương mại của Vương quốc Anh vào năm 2019. Mặc dù con số này khá đáng kể, nhưng số tiền này ít hơn khoảng sáu lần so với hoạt động kinh doanh mà Vương quốc Anh tiến hành với EU.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các cuộc đàm phán để Anh gia nhập CPTPP chính thức được khởi động sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Anh cũng như xây dựng một hiệp định tự do thương mại mang tính lịch sử cho Anh.
Ông Boris Johnson nhấn mạnh: "Tư cách thành viên của CPTPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ". Ông khẳng định đây là sẽ là cơ hội để mang lại lợi ích kinh tế trên toàn Vương quốc Anh.
Đối với Anh, CPTPP là một thỏa thuận nhẹ nhàng hơn nhiều so với Liên minh châu Âu khi không có bất kỳ ràng buộc chính trị nào. Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu, nước Anh có thể tự do đàm phán các thỏa thuận thương mại khác. Tuần trước, Anh và Australia cũng đã bắt đầu đàm phán những nội dung chính trong thỏa thuận thương mại song phương, cam kết sẽ loại bỏ hàng rào thuế quan đối với một số loại hàng hóa trong những năm tới.
Mặt khác, Anh đang là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Hiện, giữa Việt Nam và Anh cũng đã ký kết hiệp định UKVFTA, mang lại hiệu quả lớn đối với xuất nhập khẩu hai nước. Kể từ khi UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã tạo động lực cho thương mại song phương tăng trưởng liên tục trong những tháng qua. Trong 5 tháng đầu năm 2021, thương mại song phương đã đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 29%, xuất khẩu của Anh tăng 16%.
Việt Nam và Vương quốc Anh là hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ lẫn nhau, Việt Nam mong muốn xuất khẩu sang Anh những mặt hàng là thế mạnh của mình và thị trường Anh có nhu cầu như: Hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, nông, thủy sản nhiệt đới... Trong khi đó, Việt Nam cũng mong muốn nhập khẩu từ Vương quốc Anh các loại máy móc thiết bị, hóa chất, dược phẩm, hàng hóa công nghệ cao, dịch vụ tiên tiến trong các lĩnh vực năng lượng, y tế, giáo dục...