Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Nga không để Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân
Tổng thống Putin tuyên bố, nước này sẽ không để Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Đây lại là hành động khiêu khích. Không khó để tạo ra vũ khí hạt nhân trong thế giới hiện đại. Tôi không biết liệu Ukraine có khả năng làm điều đó ngay bây giờ hay không. Sẽ là không dễ dàng như vậy đối với Ukraine ở thời điểm hiện tại. Tất nhiên bất kỳ bước đi nào theo hướng đó đều sẽ phải đối mặt với phản ứng thích đáng”, ông Putin nói.
Nga không để Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân. Ảnh: AP |
Theo ông, giới lãnh đạo chính trị Ukraine hiện tại đã nói về việc sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều lần, trước cả khi cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng. Khi đó, họ đã tuyên bố một cách nhẹ nhàng rằng Ukraine nên có vũ khí hạt nhân. “Tôi có thể nói: Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố, Ukraine cần có vũ khí hạt nhân hoặc tư cách thành viên NATO để đảm bảo an ninh. Ông Zelensky cho rằng, nước này không chế tạo vũ khí hạt nhân và thực tế đã từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1990, nên việc gia nhập NATO là cách duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine hiện tại.
Mỹ sắp tăng cường an ninh cho Ukraine
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby mới đây đã thông báo về kế hoạch đưa ra các cam kết an ninh bổ sung cho Ukraine trong cuộc họp thượng đỉnh Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (Ramstein) vào tháng tới.
“Tổng thống Biden mong muốn tổ chức cuộc họp Ramstein ở cấp lãnh đạo. Tôi không thể đưa ra các mục tiêu cụ thể, nhưng như bạn đã thấy với nhiều cuộc họp nhóm Ramstein trong quá khứ, hàng loạt các cam kết hỗ trợ an ninh cho Ukraine đã được đưa ra, không phải của một quốc gia mà là của hầu hết các quốc gia tham dự. Bạn đến nhóm Ramstein với kỳ vọng, tất cả các bạn sẽ cùng nhau thảo luận về cách cải thiện hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Vì vậy, tôi hy vọng Mỹ sẽ cam kết tăng cường bổ sung an ninh cho Ukraine trong cuộc họp Ramstein sắp tới”, ông Kirby thông tin với báo giới.
Theo ông, Mỹ đang xem xét và sẽ thảo luận với các đồng minh Pháp, Đức, Anh về “kế hoạch chiến thắng” do Tổng thống Zelensky đưa ra mới đây.
NATO sẽ giảm vai trò của Mỹ với Ukraine
CNN dẫn nguồn tin có liên quan đến các nhân viên của NATO cho hay, các nước NATO đang chuẩn bị giảm vai trò của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine .
Theo đó, Mỹ có kế hoạch chuyển nhiều gánh nặng hơn cho các thành viên khác trong liên minh. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đang theo đuổi mục tiêu liên minh dẫn đầu trong việc cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, thay vì chỉ dựa vào một đồng minh.
“Chúng tôi không thể mong đợi Mỹ tiếp tục gánh vác gánh nặng hỗ trợ quá mức cho Ukraine. Đó là lý do tại sao Tổng thư ký NATO Mark Rutte muốn liên minh dẫn đầu trong việc cung cấp hỗ trợ an ninh chứ không phải để một đồng minh nào làm việc này”, nguồn tin cho biết.
Theo đại diện của NATO, trước khả năng giành chiến thắng của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử, châu Âu cần tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Hungary tiếp tục chỉ trích “kế hoạch chiến thắng” của Ukraine
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết: “"Những gì ông Zelensky nhấn mạnh trước Quốc hội Ukraine còn hơn cả đáng sợ”.
Ông kêu gọi các nước châu Âu thay đổi chiến lược trong xung đột ở Ukraine và nhắc lại quan điểm thúc đẩy hòa bình thông qua đàm phán.
“Tôi cũng kêu gọi Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp nối lại đàm phán với Nga càng sớm càng tốt”, ông Orban nói.
“Mục tiêu của EU là kết thúc chiến sự nhanh chóng thông qua ngoại giao theo cách mà Ukraine mất ít lãnh thổ nhất có thể”, Thủ tướng Hungary nhấn mạnh.