Nỗ lực không ngừng nghỉ đưa nền kinh tế Việt Nam ra "biển lớn"
Trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được đánh giá là một thành công lớn của Việt Nam trên chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế. Nối tiếp thành công đó, rất nhiều hiệp định thương mại song và đa phương đã được đàm phán, ký kết và đi vào thực thi. Nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau mỗi một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết và đi đến thực thi là cả một quá trình đàm phán kéo dài từ vài năm đến cả hơn chục năm, với hàng trăm cuộc đàm phán lớn nhỏ.
Lễ ký kết EVFTA và giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội, ngày 30/6/2019 |
Ví dụ như với WTO, Hiệp định này được ký kết sau 11 năm với hơn 200 cuộc đàm phán căng thẳng, có lúc phải đặt vài tình thế “cân não” và 28 đối tác để Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Nói như ông Trương Đình Tuyển - Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) – Người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán của WTO: Đàm phán WTO là quá trình làm việc rất vất vả, nghiêm túc của Chính phủ và rất nhiều bộ, ngành, trong đó đóng góp của Bộ Công Thương.
Hay như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), để đi đến ký kết vào tháng 6/2019 và phê chuẩn Hiệp định vào tháng 6/2020, hai bên đã trải qua 9 năm với 14 vòng đàm phán, có những lúc đối diện với nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được.
Nhất là khi hai bên đi vào giai đoạn cuối của cuộc đàm phán, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) chia sẻ: Khi đã chuẩn bị kết thúc được những vấn đề khó như lao động, mua sắm Chính phủ, những tưởng chặng đường sẽ “êm xuôi”, nhưng ngược lại, Việt Nam phải đối mặt với việc xử lý mâu thuẫn quyền lợi đan xen giữa nhiều nước lớn đang đàm phán FTA với chúng ta. Đó là thời điểm năm 2015 - cột mốc cực kỳ phức tạp và căng thẳng.
Trong đó, khó nhất đối với đoàn đàm phán Việt Nam là xử lý mâu thuẫn cách tiếp cận giữa Mỹ và EU liên quan đến chỉ dẫn địa lý cùng nhiều vấn đề khác. Thời điểm đó, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - bây giờ là CPTPP). Đây cũng là năm đàm phán giữa Việt Nam với Nga, Hàn Quốc và EVFTA đi vào chặng nước rút và hoàn tất.
“Trong quá trình đàm phán, các nước lớn luôn nhìn vào nhau xem phía đối tác mở cửa cho nước khác ra sao? Việt Nam đứng trước áp lực cực kỳ cao vì phải tính toán cân bằng lợi ích các nước, chỉ cần lộ một chút thông tin về ý định ưu đãi nhiều hơn cho nước nào đó thì chắc chắn gặp phải sự phản ứng gay gắt”, đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết.
Nhưng, sau bao nhiêu vất vả trên bàn đàm phán là những "mùa quả ngọt" trên công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ, trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam chỉ đạt 4,4%/ năm thì giai đoạn 1991-1995, tăng trưởng GDP bình quân đã tăng gần gấp đôi, đạt 8,2%/năm, các giai đoạn sau đó, Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng GDP khá cao. Cụ thể, giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 6,8%.
Giai đoạn 2016-2019 đạt mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt mức 6,8% |
Đặc biệt, theo PGS, TS Đặng Quang Định - Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Liên tiếp trong 4 năm, kể từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Trong năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch Covid-19, thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%. Năm 2022, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh màu xám của kinh tế thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,02% và năm 2023, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cán đích 6,5% như mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Cùng với đó, quy mô nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm, thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm và năm 2022, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt 409 tỷ USD. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm và năm 2022 là 4.110 USD/ năm.
Hiện thực hoá khát vọng 2045
35 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu của Việt Nam. Các đối tác FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.
Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã gia nhập WTO, thiết lập được 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao, kinh tế với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, WTO cùng với hơn hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam tham gia, là những cánh cửa lớn, đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập ngày càng đầy đủ, hiệu quả hơn.
Hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam |
Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức của Liên hợp quốc... đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt cùng lúc cả ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA (Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á), góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu cho 5 ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 vào ngày 7/6/2019 tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ), Việt Nam là ứng viên duy nhất của khu vực châu Á và cũng đã trúng cử với 192/193 phiếu đã tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam.
Mới đây nhất, vào tháng 5/2023, Việt Nam đã được tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) khai mạc tại Nhật Bản từ ngày 19-21/5. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai Nhật mời Việt Nam dự một hội nghị đa phương có tầm quan trọng như vậy. Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng vào năm 2016 tại Nhật và lần thứ hai vào năm 2018 tại Canada. Việc tham gia Hội nghị cho thấy, Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong nhận thức của các cường quốc.
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cộng với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư quốc tế |
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cộng với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư cũng giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư quốc tế. Tính đến tháng 4/2023, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Việt Nam đã thu hút được 446 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó vốn đầu tư giải ngân đạt khoảng 280 tỷ USD.
Năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vẫn đưa Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, nhiều tập đoàn trên thế giới còn đưa ra cam kết, sẽ chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất của họ trên thế giới.
Về xuất khẩu, sau hành trình hơn 35 năm đổi mới (1986 - 2022), xuất khẩu của Việt Nam đã thu được những thành quả to lớn. Nhìn chung, giai đoạn 1986 - 2021, xuất khẩu hàng hoá cả nước luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Điều này chỉ có một số ít quốc gia đạt được.
Cụ thể hơn, nếu như năm 1991 Việt Nam mới chỉ có 4 mặt hàng đạt kim ngạch 100 triệu USD trở lên, mặt hàng đạt kim ngạch cao nhất là dầu thô cũng chỉ đạt 581 triệu USD/năm, thì năm 1997, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 500 triệu USD trở lên (gồm gạo, giầy dép, dệt may, dầu thô, cà-phê, hàng điện tử, hàng thủy sản); đến năm 2015, Việt Nam đã có 24 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 12 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD. Năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%.
Bước sang năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Có thể nói, sau hơn 35 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua tăng trưởng xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây chính là mũi nhọn đột phá đưa nền kinh tế nước ta vào "sân chơi lớn" toàn cầu; góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, đúng như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra.