Cách kiểm soát bệnh tim mạch mùa lạnh |
Nhiều người trẻ mắc bệnh tim mạch
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia: Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm trên thế giới có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân mắc bệnh này đang có xu hướng ngày càng tăng. Tại Việt Nam, các bệnh tim mạch cũng chiếm 33% nguyên nhân gây tử vong. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều người dân chủ quan với sức khỏe tim mạch.
Bệnh tim mạch đang chiếm 33% nguyên nhân gây tử vong, vì vậy người dân nên khám sàng lọc và làm các xét nghiệm lâm sàng để phát hiện bệnh sớm |
Chẳng hạn với căn bệnh tăng huyết áp, đến 50% người bệnh bị tăng huyết áp nhưng không hề biết. Trong số 50% còn lại biết bệnh, chỉ một nửa là điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp.
Đáng lo hơn, những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa, với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn trong độ tuổi lao động. Theo thống kê, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành chiếm 25%, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Phân tích nguyên nhân của sự gia tăng này, chuyên gia y tế cho rằng, do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng lớn. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Trong khi các bệnh nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang dần được kiểm soát thì các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, bệnh nội tiết, đái tháo đường, ung thư... gia tăng mạnh, đặc biệt với người trẻ tuổi.
Bệnh tim mạch hoàn toàn phòng ngừa được
TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Lồng ngực, Mạch máu, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ: Triệu chứng chính của các bệnh lý tim mạch thường gặp gồm:
Khó thở có thể gặp khi gắng sức, nặng hơn có thể gặp cả khi nghỉ ngơi. Đôi khi, người bệnh không thể nằm xuống mà phải ngồi để thở. Triệu chứng này thể hiện tình trạng suy tim, khi chức năng co bóp của tim không đảm bảo tống máu đi nuôi cơ thể.
Đau ngực do bệnh tim là biểu hiện của tình trạng cơ tim bị thiếu máu. Người bệnh có cảm giác bị đè nặng tức ở ngực trái, ở trên rốn… Có thể biểu hiện với cơn đau thắt ở ngực lan lên cằm, lên vai hay ra sau lưng. Những cơn đau thắt ngực có thể kéo dài khoảng 5-10 phút và có xu hướng lặp lại.
Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức sau các hoạt động sinh hoạt thường ngày, thậm chí ngay sau khi ngủ dậy thì có thể đây là dấu hiệu của chứng thiếu máu đến não, tim và phổi.
Ho dai dẳng: Suy tim làm cho máu không được bơm đi nuôi cơ thể, đồng thời máu bị ứ lại ở phổi. Dịch, máu thoát mạch vào mô kẽ và vào các phế nang làm cho người bệnh bị ho thành cơn kéo dài và dai dẳng. Ho nhiều hơn khi người bệnh nằm xuống. Người bệnh tim cũng có thể bị những cơn ho do tác dụng phụ của thuốc điều trị suy tim như một số thuốc ức chế men chuyển
Buồn nôn, chán ăn: Tình trạng này làm cho gan và các cơ quan tiêu hóa cũng bị giảm chức năng làm cho người bệnh chán ăn và buồn nôn.
Nhịp tim nhanh, mạch đập không đều: Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do tim phải đập nhanh hơn để bù lại việc suy giảm chức năng bơm máu. Người bệnh có thể hồi hộp, nghe rõ nhịp tim đập nhanh như đánh trống ở ngực.
Hay lo lắng: Triệu chứng này thường bị bỏ quên do người bệnh chủ quan xem thường, hay nhầm lẫn với các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng bình thường mà không biết rằng đây chính là dấu hiệu phổ biến cảnh báo chứng suy tim. Người bệnh thường có triệu chứng thở nhanh, tim đập bất thường, lòng bàn tay đổ nhiều mồ hôi…
Hiện tượng phù nề: Sau khi ngủ dậy nếu cảm thấy mặt bị căng phù, mí mắt trĩu nặng, hoặc có thể chân bị phù ở một vài thời điểm nhất định trong ngày, đột nhiên đi giày dép chật… thì hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, vì có thể đây là những triệu chứng của bệnh suy tim.
Để có trái tim khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân: Kiểm soát cân nặng, giảm cân nặng (nếu thừa cân); không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều mỡ động vật; không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn) (dưới 6gr muối/ngày); tập đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày; hạn chế uống rượu bia; tránh lo âu, căng thẳng, nên tự tạo cho mình một cuộc sống thanh thản, vui vẻ... |