Bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La thăm mô hình trồng chanh leo xuất khẩu |
Thành tích ấn tượng
Theo UBND tỉnh Sơn La, trong những năm qua, hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, năm 2017, tình hình thiên tai, bão lũ đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Đảng, sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, DN và sự đoàn kết của người dân, tăng trưởng kinh tế (GRDP) toàn tỉnh ước tăng 9,59% so với năm 2016, cao nhất trong 3 năm trở lại đây (năm 2015 tăng 6,25%; năm 2016 tăng 7,63%). Trong đó, nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; công nghiệp, xây dựng tăng 18,02%; dịch vụ tăng 6,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,32%. Năm 2017, tỉnh cũng hoàn thành 25/26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu.
Trong thành tích chung của kinh tế tỉnh, khu vực công nghiệp tăng mạnh nhờ sự hoạt động có hiệu quả của 3 nhà máy thủy điện lớn và 40 nhà máy thủy điện nhỏ. Trên địa bàn tỉnh còn có trên 130 DN, 18 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và khoảng 3.200 cơ sở cá thể hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với khoảng 15.000 lao động. Các cơ sở này đã có nhiều cố gắng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đổi mới công nghệ, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Để thực hiện chỉ tiêu 97,5% số hộ được sử dụng điện vào năm 2020, ngành Công Thương đã tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, lồng ghép các nguồn vốn và huy động sự đóng góp của nhân dân. Do vậy, mặc dù khó khăn về nguồn vốn, trong hai năm 2016 - 2017, vẫn bảo đảm đầu tư và cấp điện cho thêm hơn 13.000 hộ dân từ lưới điện quốc gia; đưa tỷ lệ hộ có điện trên địa bàn đạt từ 86,7% năm 2015 lên 91,5% năm 2017, vượt 0,9% so với kế hoạch.
Riêng với lĩnh vực thương mại, năm 2017, thị trường hàng hóa đa dạng và phong phú, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá thị trường được tăng cường, cân đối cung - cầu được giữ vững, chỉ số tiêu dùng trong kỳ ổn định, sức mua và tiêu dùng của người dân trong tỉnh tăng. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2017 ước đạt 16.890 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm trước, tăng 5,5% so với kế hoạch.
Đáng chú ý, nếu như những năm trước đây, xuất khẩu nông sản của Sơn La gặp không ít khó khăn vì địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn thì xuất khẩu nông sản năm 2017 được coi là điểm nhấn quan trọng với giá trị kim ngạch đạt cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Kết quả này có được nhờ nỗ lực nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng chuỗi khép kín, mở rộng thị trường, tạo thương hiệu cho sản phẩm... Đặc biệt, triển khai thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2020, tỉnh Sơn La đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản sang các thị trường Trung Quốc, Úc, EU... Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm nông sản tăng cao như: Chè tăng 12%, tinh bột sắn tăng 12,5%...
Tính chung, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 9.093,8 nghìn USD, vượt 30% so với kế hoạch tỉnh giao đầu năm. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là: Chè, xi măng, ngô giống, tơ tằm, lõi ép ngô…
Ngoài ra, lần đầu tiên được tổ chức, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Sơn La năm 2017 được đánh giá là thành công khi đã trao quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án với tổng vốn đăng ký 8.590,5 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư 19 dự án, tổng vốn Dự kiến đầu tư 14.932 tỷ đồng. Tỉnh đang chuẩn bị triển khai một số dự án lớn như Trung tâm thương mại, khu nhà ở thương mại tỉnh Sơn La của Tập đoàn VinGroup; Bệnh viện Đa khoa cuộc sống; Nhà máy Chế biến công nghệ cao của Tập đoàn TH. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2017, Sơn La đã có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt NTM lên 16...
Những mục tiêu mới
Trước những kết quả đạt được trong 2 năm vừa qua, năm 2018, tỉnh Sơn La đặt ra những mục tiêu lớn cho những năm tiếp theo nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV.
Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng cường hiệu quả công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất tiếp tục phát huy hết công suất hiện có, đầu tư mở rộng quy mô, công suất, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ quản trị điều hành và chất lượng lao động…
Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là các nhà máy có sản lượng lớn và lợi thế tiêu thụ sản phẩm như: Sữa Mộc Châu, đường Mai Sơn, chế biến tinh bột sắn Mai Sơn, chế biến chè tại Mộc Châu, xi măng Mai Sơn… Bên cạnh đó, tạo điều kiện tốt nhất thu hút đầu tư nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm, nhà máy sử dụng nhiều lao động; phát triển hợp tác xã dệt thổ cẩm, cơ khí ....
Ngoài ra, tiếp tục phát triển đa dạng thị trường thương mại, áp dụng công nghệ thông tin trong thương mại điện tử; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ DN, kết nối với nhà tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp; chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh; phát triển cửa hàng xăng dầu - nhất là các khu vực xa trung tâm, điều kiện kinh tế khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Triển khai thực hiện đề án phát triển dịch vụ thương mại… Phấn đấu hoàn thành hiệu quả Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV.
Những kết quả đạt được trong 2 năm vừa qua là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ, với quyết tâm phấn đấu đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã đề ra. |