EU muốn thỏa thuận hậu Brexit là một thỏa thuận bao trùm duy nhất, trong đó tranh chấp ở một lĩnh vực có thể dẫn đến hậu quả ở một lĩnh vực khác, nhưng Anh muốn một loạt các thỏa thuận nhỏ với các phụ lục riêng. Phía Vương quốc Anh sẵn sàng thỏa hiệp với những điều khoản thỏa đáng có thể được tìm thấy để giải quyết tranh chấp. Ở nhiều lĩnh vực, cuộc đàm phán vẫn còn bế tắc. Nhà đàm phán của Anh David Frost nhấn mạnh, rõ ràng rằng hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận vào tháng 7 như nguyên tắc đặt ra trong cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao ngày 15/6. Nhưng phía Anh bỏ ngỏ rằng một thỏa thuận vẫn có thể được thực hiện vào tháng 9 - để dành đủ thời gian phê chuẩn cho cả hai bên và chuẩn bị cho Vương quốc Anh rời khỏi các tổ chức EU vào ngày 31 tháng 12. Mặc dù vậy, cả hai bên phải đối mặt với khả năng là một thỏa thuận sẽ không đạt được.
Nhà đàm phán trưởng của EU, ông Michel Barnier thậm chí còn bi quan hơn, khi cho rằng trong vài tuần qua, Vương quốc Anh đã không thể hiện cùng mức độ tham gia và sẵn sàng tìm giải pháp, tôn trọng các nguyên tắc và lợi ích cơ bản của EU. Ông Barnier cho rằng, rủi ro không có thỏa thuận đang ngày càng hiện hữu và chừng nào còn bị tắc nghẽn ở phía Anh thì đó là một rủi ro khách quan. Cả hai bên đều nhấn mạnh nghề cá và cái gọi là sân chơi bình đẳng - mà EU thấy rất quan trọng để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp ở cả hai bên và Anh coi đó là một yêu cầu không công bằng để ràng buộc Anh với các quy tắc của EU, mặc dù đây là một quốc gia có chủ quyền. Đó là hai điểm chính của sự bất đồng. Anh luôn rõ ràng rằng các nguyên tắc của Anh trong các lĩnh vực này không phải là các quan điểm đàm phán đơn giản mà là sự thể hiện thực tế Anh sẽ là một quốc gia độc lập hoàn toàn vào cuối giai đoạn chuyển tiếp.
Về nghề cá, Vương quốc Anh thực sự yêu cầu loại trừ gần như hoàn toàn các tàu cá EU khỏi vùng biển Anh. Điều đó chỉ đơn giản là không thể chấp nhận được đối với Anh. Về các quy tắc sân chơi bình đẳng, phía EU nhấn mạnh phải có sự bảo đảm mạnh mẽ cho sân chơi bình đẳng, bao gồm cả viện trợ và tiêu chuẩn để đảm bảo cạnh tranh công bằng và cởi mở cho các doanh nghiệp của hai bên và theo thời gian. Đây là lợi ích cốt lõi của tất cả 27 quốc gia thành viên. Và theo quan điểm của EU thì đó cũng là lợi ích cho Vương quốc Anh. Các cuộc thảo luận không chính thức sẽ tiếp tục tại London vào tuần tới và vòng đàm phán chính thức tiếp theo bắt đầu vào ngày 17/ 8, mặc dù hai bên dự kiến sẽ giữ liên lạc cho đến đầu tháng 8 và các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9. Bất kỳ thỏa thuận nào có thể sẽ cần được ký kết vào tháng 10 để có thời gian cho cả hai bên phê chuẩn.
Mục tiêu chính của Thủ tướng Anh Boris Johnson là có được một thỏa thuận khung vào cuối tháng 7, có thể đảm bảo cho các doanh nghiệp Anh, không phải bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chia tay không thỏa thuận lộn xộn khi giai đoạn chuyển đổi hiện tại kết thúc vào ngày 31 tháng 12. Nhưng các nhà đàm phán của hai bên đều cho biết điều này khó xảy ra do khoảng cách cơ bản trên các lĩnh vực chính trên. Nước Anh sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã gây chia rẽ sâu sắc và rời khỏi EU sau gần nửa thế kỷ hội nhập vào ngày 31/1. Anh vẫn bị ràng buộc bởi các quy tắc của khối cho đến ngày 31 tháng 12 trong khi chờ kết quả đàm phán về mối quan hệ tương lai với đối tác thương mại lớn nhất.
Ông Johnson đã quyết định chống lại việc mở rộng quá trình chuyển đổi vì những rủi ro chính trị. London cũng lập luận rằng nhiều thời gian hơn sẽ không giải quyết được những khác biệt cơ bản về cách các bên nhìn nhận mối quan hệ tương lai của họ. Brussels cho biết sự gần gũi và vị trí thành viên trong quá khứ của Anh có nghĩa là nước này phải tuân thủ chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn của EU so với các quốc gia khác nếu muốn tiếp cận thị trường mở.
London chỉ yêu cầu đối xử tương tự mà EU đã dành cho các quốc gia độc lập khác đã ký thỏa thuận thương mại. Việc không vượt qua sự phân chia này sẽ làm giảm các mối quan hệ theo các tiêu chuẩn tối thiểu do Tổ chức Thương mại thế giới đặt ra. Những điều này được đi kèm với mức thuế cao hơn và đưa ra những yêu cầu khắt khe đối với các doanh nghiệp có thể làm mất uy tín thương mại và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư EU vào Anh. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo khối liên minh phải và nên chuẩn bị cho khả năng này khi Đức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của EU vào ngày 01/7.