Ảnh minh họa
Phát biểu tại một cuộc hội thảo diễn ra vào đầu tháng 6/2015, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)- cho rằng: Sau gần 30 năm đổi mới nền kinh tế, chuyển sang cơ chế thị trường, Việt Nam mới chỉ nhấn mạnh đến tự do hóa thị trường nhưng chưa chú ý đến cạnh tranh bình đẳng. Trong tư duy của một số người vẫn coi cạnh tranh là một hiện tượng xấu, gây tác động tiêu cực, thậm chí mất quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Chính vì tư duy chưa đúng về cạnh tranh nên mới có hiện tượng bao che, tiếp tay cho các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Kết quả là người tiêu dùng của Việt Nam đã phải “trả giá” đắt cho những sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng.
Ông Doanh đưa dẫn chứng: Đã từng có chuyện chủ tịch một tỉnh của Việt Nam ra chỉ thị cho người dân và doanh nghiệp chỉ được sử dụng bia và xi măng do các công ty trên địa bàn tỉnh sản xuất mà không cần biết đến chất lượng, giá cả của sản phẩm đó tốt hay xấu.
Theo nhiều chuyên gia, cạnh tranh không bình đẳng không thúc đẩy được sự sáng tạo của mọi thành phần kinh tế mà còn làm méo mó thị trường, khiến cho doanh nghiệp khó thích ứng với môi trường cạnh tranh quốc tế. Tiến sĩ Wanrren Mundy- Ủy viên Hội đồng, Ủy ban năng suất Australia- khuyến nghị: Việt Nam cần thay đổi tư duy về cạnh tranh, coi cạnh tranh là một hoạt động lành mạnh để thúc đẩy nền kinh tế, từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định: Để tăng năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế thị trường mà ở đó các doanh nghiệp không chỉ được tự do kinh doanh mà còn phải được cạnh tranh một cách công bằng, có như vậy mới thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Tiến sĩ Wanrren Mundy cho rằng: Để xây dựng nền kinh tế theo hướng cạnh tranh công bằng, điều kiện quan trọng nhất là chính sách ấy phải đem lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng chứ không phải một ngành hay một nhóm ngành nhất định. Ông Wanrren Mundy cũng nhấn mạnh: Pháp luật cạnh tranh cần thể hiện sự minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực thi. Đồng thời, được áp dụng rộng rãi, công khai trong mọi thành phần kinh tế. Những trường hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh cần phải được xử lý kịp thời bằng những chế tài cụ thể.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Việt Nam đang chuẩn bị hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Với 10 FTA đã ký kết, hàng hóa của nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam, để cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài, bên cạnh thay đổi tư duy về cạnh tranh, Việt Nam cần sửa đổi pháp luật cạnh tranh cho phù hợp với điều kiện hội nhập.
Tiến sĩ Wanrren Mundy- Ủy viên Hội đồng, Ủy ban năng suất Australia Pháp luật cạnh tranh cần thể hiện sự minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực thi. Đồng thời, được áp dụng rộng rãi, công khai trong mọi thành phần kinh tế. Những trường hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh cần phải được xử lý kịp thời bằng những chế tài cụ thể. |