Các nguồn tin tại Trung Đông thông báo, trong ngày 29/6, quân đội Israel thông báo họ đã ném bom nhằm vào một tòa nhà quân sự của lực lượng Hezbollah ở làng Hula, miền Nam Liban, sau khi phát hiện các thành viên có vũ trang của nhóm này xuất hiện tại đây.
Trước đó, người phát ngôn quân đội Israel Avichay Adraee tuyên bố 2 tên lửa chống tăng được phóng từ miền Nam Liban đã rơi xuống ngôi làng Misgav Am, miền Bắc Israel mà không gây thương tích nào. Đáp lại, lực lượng Israel đã pháo kích các địa điểm nghi vấn phóng tên lửa.
Israel tiếp tục thực hiện các đòn trả đũa các vụ tấn công bằng rocket và tên lửa của Hezbollah. Ảnh: AP |
Hezbollah đã thừa nhận thực hiện hàng chục vụ tấn công bằng tên lửa, bao gồm cả các vụ nhằm vào căn cứ quân sự gần thành phố Kiryat Shmona, cũng như các vụ sử dụng UAV mang chất nổ nhằm vào một địa điểm quân sự ở phía Tây Galilee và một số cuộc tấn công khác dọc biên giới.
Tình trạng leo thang căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực. Các hoạt động pháo kích lẫn nhau giữa hai bên đã gia tăng đột biến trong tháng này.
Liên quan tới xung đột, Đại sứ quán Saudi Arabia tại Beirut, Lebanon đã kêu gọi công dân của họ rời khỏi quốc gia này ngay lập tức.
Saudi Arabia cũng yêu cầu công dân tuân thủ lệnh cấm du lịch tới đất nước. Đại sứ quán nhấn mạnh rằng họ đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện ở miền nam Lebanon.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho toàn bộ Trung Đông.
Quân đội Mỹ cũng bắt đầu điều động binh sĩ đến Lebanon và Israel để sơ tán công dân trong trường hợp cuộc đối đầu giữa Israel và Hezbollah leo thang.
Ngày 29/6, Trợ lý tổng thư ký Liên đoàn Arab Hossam Zaki tuyên bố khối này đã rút Hezbollah khỏi danh sách các “tổ chức khủng bố”.
Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Qahera của Ai Cập một ngày sau chuyến thăm Lebanon, ông Zaki cho biết: “Trong các quyết định trước đây của Liên đoàn Arab, Hezbollah được coi là một tổ chức khủng bố và vấn đề này đã được phản ánh trong các nghị quyết, dẫn đến việc cắt đứt liên lạc với Hezbollah dựa trên những quyết định này... Các quốc gia thành viên của Liên đoàn Arab đã đồng ý rằng không nên coi Hezbollah là một tổ chức khủng bố”.
Ông Zaki đã đến thăm Liban từ ngày 23 đến 28/6 và gặp gỡ các nhóm đại diện cho các quan điểm chính trị khác nhau ở Lebanon. Các cuộc thảo luận tập trung vào việc giảm căng thẳng ở miền Nam Lebanon kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza. Đồng thời, ông Zaki đã tổ chức cuộc gặp với người đứng đầu khối Trung thành với phong trào Kháng chiến liên kết với Hezbollah, ông Muhammad Raad. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Liên đoàn Arab và Hezbollah trong hơn một thập kỷ.
Liên đoàn Arab đã xếp Hezbollah là một "tổ chức khủng bố" với quyền bảo lưu từ Lebanon và Iraq từ năm 2016. Đồng thời, Liên đoàn Arab cũng kêu gọi Hezbollah "chấm dứt thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa bè phái, kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không tham gia bất kỳ hành động nào hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và những kẻ khủng bố trong khu vực”.
Về cuộc xung đột tại Dải Gaza, trang tin Axios (Mỹ) ngày 29/6 dẫn các nguồn tin cho biết Washington đã đưa ra “lời lẽ mới” cho các nội dung trong đề xuất thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.
Sự điều chỉnh này đã có sự tham vấn với các đại diện Qatar và Ai Cập, và liên quan tới Giai đoạn 1 trong đề xuất gồm 3 giai đoạn của thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đưa ra trước đó. Mục đích điều chỉnh nhằm tìm kiếm sự đảm bảo để thực hiện Giai đoạn 2 liên quan đến việc “duy trì ngừng bắn lâu dài” tại Gaza.
Axios dẫn một nguồn tin khẳng định: “Mỹ đang rất nỗ lực tìm kiếm công thức đảm bảo cho thỏa thuận được ký kết”, đồng thời một nguồn tin khác cho rằng nếu Hamas đồng ý thì “thỏa thuận này có thể được ký kết”.
Đề xuất ngừng bắn của Mỹ do Tổng thống Joe Biden công bố ngày 31/5 đến nay vẫn bế tắc, do Israel và Hamas tiếp tục bất đồng về các điều khoản chủ chốt. Hamas cho rằng đề xuất trên không đưa ra những bảo đảm rõ ràng về việc chuyển đổi từ giai đoạn đầu của kế hoạch, bao gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần và thả một số con tin, sang giai đoạn thứ hai, bao gồm lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và sự rút quân của Israel.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Bejamim Netanyahu cho rằng vẫn có những "khoảng trống" giữa đề xuất ngừng bắn mà Chính phủ Israel phê chuẩn với phiên bản được Tổng thống Joe Biden công bố, ngoài ra cách Mỹ mô tả về thỏa thuận này là "chưa toàn diện".