Nga 'hạ' 25.000 lính Ukraine ở Kursk; Hàn Quốc tập trận giữa căng thẳng với Triều Tiên Điểm tin nóng thế giới ngày 22/10: Nga ‘gặt hái’ nhiều thắng lợi tại Kursk; Israel ra điều kiện để hoà bình |
26.000 binh sĩ Ukraine gục ngã trước ‘đòn sấm sét’ của Nga ở Kursk
Theo hãng thông tấn TASS, tính từ đầu giao tranh, Ukraine đã tổn thất hơn 25.943 binh sĩ trong khu vực Kursk.
Quân đội Nga cho biết, đã đẩy lùi hai cuộc phản công của Ukraine nhằm vào các khu định cư Plekhovo và Pokrovsky. Cùng lúc, các đơn vị thuộc nhóm chiến đấu Phương Bắc còn phá vỡ ba đợt tấn công khác hướng về Zeleny Shlyakh.
Các hoạt động quân sự của Nga tiếp tục được mở rộng, nhắm vào các lực lượng Ukraine tại Daryino, Nizhny Klin, Novoivanovka, Plekhovo và Sverdlikovo. Không quân, pháo binh và tên lửa Nga cũng tấn công các cụm binh lực và kho dự bị của Ukraine ở vùng Sumy lân cận.
Trong ngày, Ukraine không chỉ mất nhân lực mà còn thiệt hại thêm 3 xe tăng, 3 xe chiến đấu bộ binh, bao gồm một chiếc Bradley do Mỹ sản xuất và 7 xe bọc thép khác. Ba khẩu pháo, 6 phương tiện vận tải và một hệ thống tác chiến điện tử cũng bị tiêu diệt, trong khi 3 binh sĩ Ukraine đã đầu hàng.
Tính từ đầu cuộc xung đột, phía Ukraine đã mất 175 xe tăng, 92 xe chiến đấu bộ binh, 103 xe bọc thép chở quân, 224 khẩu pháo và 38 hệ thống phóng tên lửa đa nòng, bao gồm 9 hệ thống HIMARS và 6 hệ thống MLRS của Mỹ. Ngoài ra, Nga cũng báo cáo phá hủy nhiều trang thiết bị phòng không và công binh, cùng hàng trăm phương tiện vận tải và radar quân sự.
Nga tiếp tục phản công, gây tổn thất nặng nề cho Ukraine ở Kurks. Ảnh: SCMP |
Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Nga đã huy động hơn 338 triệu rúp (tương đương 3,5 triệu USD) để hỗ trợ y tế cho người dân Kursk bị ảnh hưởng bởi các cuộc pháo kích từ Ukraine. Từ ngày 7/8, tổ chức này đã hỗ trợ cho 95.000 người tại khu vực.
Tính đến nay, hơn 382,7 tấn hàng viện trợ nhân đạo đã được phân phối thông qua 21 chi nhánh của Hội Chữ thập đỏ Nga. Trong đó, 13.530 người tị nạn từ vùng Kursk đã nhận hỗ trợ tại 19 chi nhánh và 50 tình nguyện viên đã cung cấp hỗ trợ tâm lý cho gần 20.000 người.
Tình hình chiến sự tại Kursk vẫn căng thẳng, trong khi các nỗ lực viện trợ tiếp tục nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân địa phương.
Nga xé toạc phòng tuyến phía Đông Ukraine, Kiev chịu áp lực khổng lồ
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội đã kiểm soát hai ngôi làng Serebrianka và Mykolaivka tại vùng Donetsk vào hôm thứ Tư. Nhiều blog quân sự đồng loạt báo cáo các bước tiến của Nga gần các thị trấn trọng yếu dọc chiến tuyến.
Phía Ukraine chưa xác nhận việc mất hai ngôi làng, nhưng cho biết các khu vực này đang chìm trong giao tranh dữ dội. Blog quân sự nổi tiếng DeepState cho hay quân đội Ukraine đang đối mặt với áp lực mạnh từ lực lượng Nga tại Selydove, thị trấn nằm về phía Tây Nam Mykolaivka.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine thông báo đã đẩy lùi 12 cuộc tấn công của Nga gần Serebrianka, nằm ngay sát biên giới phía Bắc Donetsk. Đồng thời, các trận đánh lớn cũng diễn ra tại các thị trấn trên đường tiếp cận Pokrovsk, một đầu mối hậu cần quan trọng trong kế hoạch tiến quân của Nga về phía Tây Donetsk.
DeepState cảnh báo nếu Nga chiếm được Selydove, họ sẽ mở đường tấn công thẳng vào Pokrovsk. Blog này nhận định lực lượng Nga với lợi thế nhân lực và trang thiết bị dồi dào, đang áp sát phòng tuyến Ukraine từ cả phía Bắc và Nam.
Các nguồn tin quân sự Nga cũng ghi nhận giao tranh dữ dội tại Selydove và ba thị trấn khác là Kurakhove, Hirnyk ở phía Nam và Toretsk ở Đông Bắc. Yuri Podolyaka, một blogger thân Nga, cho biết quân đội Nga đã chiếm các khu vực trung tâm, phía Đông và phía Nam của Selydove. Ông còn đăng tải video cho thấy lá cờ Nga được treo trên một tòa nhà cao tầng tại đây.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ nguồn mở, Nga đã đạt bước tiến nhanh nhất kể từ tháng 3/2022. Điều này diễn ra bất chấp việc Ukraine đã giành lại một số khu vực sau cuộc đột kích vào vùng Kursk của Nga hồi tháng 8.
Với những diễn biến căng thẳng tại Donetsk và cả hai bên đều tăng cường lực lượng, tình hình chiến sự được dự báo sẽ còn leo thang trong thời gian tới.
Iran và Ả Rập Xê Út tập trận chung trên biển nhằm ‘dằn mặt' Israel
Bộ Quốc phòng Ả Rập Xê Út cho biết hải quân nước này và hải quân Iran vừa tiến hành cuộc tập trận trung tại khu vực biển Oman. Đây được coi là lần thứ hai liên tiếp trong tháng 10 này, Saudi Arabia và Iran tham gia các các cuộc tập trận chung, đánh dấu bước phát triển mới về hợp tác quân sự giữa hai quốc gia Hồi giáo từng có thời gian dài đối đầu căng thẳng.
Thông tin về cuộc tập trận hải quân mới có sự tham gia của Saudi Arabia và Iran, được Chuẩn tướng Turki al-Maliki, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Saudi Arabia, đưa ra với hãng tin AFP hôm qua. Theo nguồn tin, cuộc tập trận được tiến hành tại Biển Oman, có sự tham gia của một số quốc gia khác ngoài Saudi Arabia và Iran. Tuy nhiên, thời gian, quân số và các hoạt động cụ thể của cuộc tập trận không được đề cập.
Trước đó ít ngày, hãng thông tấn ISNA của Iran cũng đưa tin hải quân nước này đã tham gia cuộc tập trận hải quân chung với tên gọi IMEX 2024, cùng hải quân Nga và Oman, tại khu vực phía Bắc Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận cũng có sự tham gia của Saudi Arabia với tư cách quan sát viên cùng 5 nước khác.
Theo giới phân tích khu vực, việc Saudi Arabia và Iran liên tiếp tham gia các hoạt động diễn tập hải quân chung thời gian qua cho thấy mức độ hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia Hồi giáo đang được tăng cường, đồng thời phản ánh nhu cầu hợp tác quốc phòng đang gia tăng tại Trung Đông trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn và ngày càng leo thang đáng lo ngại ở cả chiến trường Lebanon và dải Gaza.
NATO bất ngờ đồng thuận việc Thổ Nhĩ Kì đệ đơn gia nhập BRICS
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như mọi quốc gia khác trong khối, “có quyền chủ quyền” trong hợp tác với các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), đài RT đưa tin hôm 23/10.
Ông Rutte đưa ra phát ngôn trên trong một cuộc họp báo tại Estonia hôm 22/10, đồng thời nói rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS không làm thay đổi vị thế của nước này trong NATO.
Ông Rutte tin chắc việc Ankara muốn gia nhập BRICS không ảnh hưởng tới thực tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ “vẫn và sẽ luôn rất được ưa chuộng trong NATO”, đồng thời lưu ý rằng NATO cũng rất được ưu chuộng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù vậy, ông Rutte thừa nhận thực tế rằng việc Ankara muốn gia nhập BRICS “thỉnh thoảng có thể dẫn đến các cuộc tranh luận, trong khuôn khổ song phương hoặc trong NATO”.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh rất quan trọng trong liên minh, vì nước này có một trong những lực lượng quân sự được trang bị tốt nhất trong NATO, đóng vai trò quan trọng trong một phần địa lý của NATO, cung cấp rất nhiều năng lực cho NATO nói chung” - Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh.
Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO “phải đảm bảo tận dụng tối đa lợi ích của nhau” và NATO “rất vui khi họ [Thổ Nhĩ Kỳ] là một đồng minh của mình”, ông Rutte nói thêm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiện đang ở Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS theo lời mời từ nước chủ nhà. Trước khi lên đường sang Nga, ông Erdogan hôm 22-10 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ “chân thành” muốn cải thiện hợp tác với BRICS.
Trước đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận việc nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS với tư cách một thành viên đầy đủ, đưa nước này trở thành thành viên đầu tiên trong NATO bày tỏ ý định tham gia BRICS.
Liên minh châu Âu (EU) - tổ chức đã trao cho Thổ Nhĩ Kỳ tư cách ứng viên từ năm 1999 - lo ngại về động thái này, song Ankara lưu ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không coi BRICS và EU là những lựa chọn thay thế nhau.